Tiếng Việt | English

11/12/2019 - 09:11

Liên kết sản xuất - nông dân hưởng lợi

Hiện nay, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, mang đến nhiều lợi ích cho các đối tác tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là nông dân. Liên kết sản xuất cũng hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ, lẻ, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, vừa cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, vừa tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.

Nông dân hưởng lợi khi tham gia liên kết và tiêu thụ sản phẩm

Nông dân hưởng lợi

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, tỉnh Long An có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) với các doanh nghiệp (DN). Kết quả bước đầu cho thấy, đây là bước đi phù hợp để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Hiện nay, nhiều địa phương tích cực triển khai xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.

Thời gian qua, huyện Cần Đước không ngừng thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Toàn huyện có 28 THT, 25 HTX, trong đó có 19 HTX dịch vụ nông nghiệp. Trong 9 HTX nông nghiệp, có 8 HTX được cấp giấy chứng nhận VietGAP. HTX Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân) là một trong những HTX triển khai thực hiện tốt việc sản xuất theo chuỗi liên kết với nhiều loại rau. Tham gia sản xuất theo chuỗi, ngay từ khâu chuẩn bị sản xuất đã có DN đặt hàng và bao tiêu sản phẩm.

Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng cho biết: Ðể trồng rau theo hướng VietGAP, bảo đảm chất lượng, HTX được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng đầu tư cơ sở vật chất gồm nhà lưới và các công trình phụ trợ. Trước đây, nông dân sản xuất nhỏ, lẻ, không tập trung và thường rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa”; sản phẩm chủ yếu thông qua đầu mối bán lẻ, tiêu thụ nội bộ nên không có lãi cao. Ðây là nguyên nhân làm cho nông dân chưa thiết tha và ngại đầu tư trong sản xuất nông nghiệp. Từ khi liên kết và trồng rau theo hướng VietGAP mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm chi phí sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón từ 20-30% so với sản xuất truyền thống; lợi nhuận cao hơn từ 15-20%; toàn bộ sản phẩm đều được ký hợp đồng bao tiêu với các DN hoặc cửa hàng cung ứng rau an toàn với giá cao hơn thị trường từ 1.000-1.500 đồng/kg. Từ hiệu quả đó, nông dân thay đổi tư duy sản xuất, tuân thủ nghiêm quy trình, hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình trồng và chăm sóc rau; không còn tự ý canh tác, mạnh ai nấy làm, muốn bán cho ai thì bán như trước kia.

“Hiện mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường gần 3 tấn rau, củ. HTX ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 4 đối tác gồm Trung tâm phân phối SATRAfood (TP.HCM); Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tâm Tuấn Phát (quận Tân Bình, TP.HCM); Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ, Xuất nhập khẩu Vị San (quận Bình Tân, TP.HCM) và Siêu thị Sài Gòn. Ngoài ra, HTX còn cung cấp sản phẩm cho cửa hàng rau an toàn tại thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa và chợ phường 2, TP.Tân An” - ông Dũng cho biết thêm.

Chị Nguyễn Thị Nga - thành viên HTX Rau an toàn Phước Hòa, chia sẻ: “Từ khi tham gia HTX, tôi được hướng dẫn sản xuất theo quy trình an toàn, hỗ trợ xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tự động nên sản phẩm có giá cao hơn thị trường khoảng 1.000 đồng/kg và được HTX bao tiêu sản phẩm. Tôi có 8.000m2 đất, chuyên trồng cải ngọt và cải bẹ xanh. Trung bình mỗi năm, tôi sản xuất từ 8-9 vụ đều ứng dụng công nghệ cao và rau đạt chuẩn GAP”.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, thời gian qua, ở tỉnh vẫn xảy ra tình trạng “giải cứu” nông sản (lúa, rau, thanh long,...). Nguyên nhân chủ yếu là quy mô sản xuất nông nghiệp một số nơi còn nhỏ, lẻ, manh mún, rất khó cho việc tổ chức ký hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm với quy mô lớn. Hiện nay, việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm là chủ trương đúng đắn của tỉnh và được cụ thể hóa qua việc khuyến khích phát triển HTX, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Đáng chú ý, tỉnh đã triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển cánh đồng lớn gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

Nông dân hưởng lợi khi tham gia liên kết và tiêu thụ sản phẩm

Nông dân hưởng lợi khi tham gia liên kết và tiêu thụ sản phẩm

Đối với cây thanh long, nhiều năm qua, nông dân cũng gặp phải tình trạng rớt giá, có năm chỉ ở mức 1.000-2.000 đồng/kg. Huyện Châu Thành được biết đến như “thủ phủ” thanh long của tỉnh với gần 9.000ha và có hơn 2.000ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Nhờ liên kết trong sản xuất, những năm gần đây, nông dân trồng thanh long an tâm vì đầu ra ổn định. Hiện HTX Thanh long Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội) là một trong những HTX hoạt động hiệu quả trong liên kết tiêu thụ sản phẩm. HTX có 110 thành viên với 70ha thanh long và 14 THT cung ứng sản phẩm. Theo Giám đốc HTX Thanh long Dương Xuân - Nguyễn Hữu Gia, thời gian qua, HTX thường xuyên tuyên truyền về hiệu quả chương trình trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao cho các thành viên và người dân trên địa bàn. HTX chuẩn bị chu đáo để đáp ứng tiêu chí truy xuất nguồn gốc đối với trái thanh long, thực hiện nghiêm ngặt yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng thanh long xuất khẩu.

Ông Lê Đắc Vinh, ngụ xã Dương Xuân Hội, tham gia HTX để liên kết với DN, tạo đầu ra sản phẩm ổn định. Ông Vinh chia sẻ: “Khi tham gia liên kết, tôi có điều kiện tiếp cận, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận; đồng thời, sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao theo chuẩn GAP và thực hiện việc truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, thành viên HTX không phải lo lắng về thị trường tiêu thụ”.

Nông sản Long An tham gia tại các hội chợ và đi vào siêu thị trong và ngoài tỉnh

Tăng cường hỗ trợ

Ông Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với những nội dung cụ thể: Hỗ trợ tư vấn liên kết; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; đào tạo nghề; hỗ trợ về giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới theo mô hình ứng dụng công nghệ cao,...

Đối tượng được hưởng lợi từ chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh là nông dân, chủ trang trại, người được ủy quyền đối với hộ nông dân, THT; cá nhân, người được ủy quyền đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; HTX, liên hiệp HTX; DN; các tổ chức, cá nhân khác liên quan trong việc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển, hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc có thêm những chính sách mới với quy định cụ thể nhằm khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là hết sức cần thiết; đồng thời, cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 05-7-2018 của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà các bên đối tác đều được hưởng lợi, trực tiếp là nông dân. Thông qua đó, tạo kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững; khắc phục hạn chế của nền sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà hiện nay là manh mún, nhỏ, lẻ, mất cân đối cung - cầu cũng như ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật nông nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 để đạt những vụ mùa bội thu, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cung ứng thị trường./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích