Tiếng Việt | English

28/04/2025 - 16:22

Liên tiếp 'sập bẫy' lừa vì 'nhẹ dạ cả tin'

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều tài khoản mạng xã hội (MXH) mạo danh Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an đăng tải các bài viết cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên MXH; đồng thời, đăng tải các quyết định của Bộ Công an về việc “Hỗ trợ người dân lấy lại tiền lừa đảo trên MXH”, kèm theo là các hướng dẫn chi tiết để người dân liên hệ với “cơ quan chức năng” như “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”.

Ảnh minh họa: Internet

Đây là hành vi “thừa nước đục thả câu”, đánh vào tâm lý hoang mang của những người vừa bị mất tiền. Kẻ lừa đảo lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, uy tín của một cơ quan nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm để tạo dựng niềm tin dẫn dụ con mồi tự giác tìm đến và tiếp cận nạn nhân bị lừa đảo, cung cấp “dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” nhưng thực chất là để đưa nạn nhân “vào tròng” thêm một lần nữa.

Sau khi người dân liên hệ, các đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và thông tin về vụ việc đã bị lừa đảo; cài đặt, tải các ứng dụng khác như Zalo, Telegram,... để tiện liên hệ và yêu cầu người dân chuyển tiền để làm thủ tục, hồ sơ. Các đối tượng lừa đảo thuyết phục nạn nhân rằng “Đây là dịch vụ của Bộ Công an nên có khả năng thu hồi số tiền đã mất”. Sau khi nạn nhân tin tưởng, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu thanh toán dưới dạng phí xử lý, phí pháp lý hoặc với nhiều lý do "hợp lý" nào khác.

Để tạo niềm tin cho bị hại trước khi chuyển tiền, đối tượng lừa đảo sẽ gửi các văn bản, tài liệu giả mạo của cơ quan công an về việc hồ sơ của nạn nhân đã được tiếp nhận, xử lý. Sau đó, chúng sẽ lấy nhiều lý do như cần thêm tiền để hồ sơ được xét duyệt, hồ sơ thiếu thông tin, lỗi hệ thống để yêu cầu người dân tiếp tục chuyển khoản với số tiền lớn hơn nhằm chiếm đoạt. Nếu nạn nhân vẫn chưa chuyển tiền, các đối tượng lừa đảo tiếp tục giả mạo, cung cấp thông tin đang cập nhật, xử lý tình huống, qua đó thúc giục nạn nhân chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản cùng với sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý để thuyết phục và xây dựng lòng tin của nạn nhân.

Với thủ đoạn tinh vi này, các đối tượng đã lừa đảo rất nhiều người. Qua tìm hiểu, phần lớn người bị hại đều là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí; thiếu ý thức cảnh giác với tội phạm; không có kiến thức về bảo mật thông tin cũng như chưa hiểu biết về luật pháp. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, không biết tại sao bị mất tiền trong tài khoản, vì sợ mất uy tín nên phần lớn đều “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Thông tin từ cơ quan chức năng, hiện ngành Công an và các đơn vị liên quan không phối hợp, ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua MXH. Để tránh bị lừa đảo lần 2, người dân cần cảnh giác, tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản MXH quảng cáo dịch vụ “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”,... trên không gian mạng; không chuyển tiền cho các đối tượng trên để được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ.

Người dân cần cảnh giác, tuyên truyền người thân, bạn bè về thủ đoạn trên. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Không nên tìm đến các trang MXH giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh nhân dân (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân,... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết