Tiếng Việt | English

25/04/2016 - 17:17

Long An: Bàn giải pháp, nâng cao hiệu quả nuôi tôm nước lợ

Trung tâm Khuyến nông Long An tổ chức tọa đàm “Bàn giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế dịch bệnh và nâng cao hiệu quả nuôi tôm nước lợ năm 2016” với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm TP.HCM và cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông 8 tỉnh: Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Hiện nay, thời tiết nắng nóng, môi trường không ổn định, kết hợp với độ mặn cao làm cho con tôm giảm sức đề kháng, dễ bị sốc và chết nhiều. Chính nguyên nhân này khiến hầu hết các địa phương có diện tích thả tôm giống ít hơn so với cùng kỳ năm 2015.

Trên địa bàn tỉnh Long An, những năm gần đây, tình hình dịch bệnh và thị trường diễn biến phức tạp nên diện tích nuôi tôm giảm, hiện chỉ còn khoảng 6.000ha. Đầu năm 2016, toàn tỉnh thả khoảng 1.000ha thì thực tế có 50% diện tích bị nhiễm bệnh, phải thu hoạch sớm.

Nông dân thu hoạch tôm sớm do điều kiện thời tiết phức tạp

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Long An – Phạm Phú Hùng khuyến cáo: “Để tôm phát triển, ổn định, nông dân nên nuôi 1 - 2 vụ/ năm; luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa giúp cho việc tái tạo chất lượng môi trường ao nuôi. Mật độ nuôi, đối với tôm thẻ 40-50 con/m2, tôm sú 10-15 con/m2. Đồng thời, nông dân nên áp dụng phương thức nuôi 3 cao – 3 thấp (độ kiềm cao, oxy cao, mực nước cao; độ mặn thấp, mật độ thấp, pH thấp); tăng cường quạt, bổ sung khoáng chất, kiểm soát thức ăn tốt; ghi chép sổ nhật ký nuôi tôm hằng ngày”./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết