Tiếng Việt | English

09/10/2024 - 18:48

Long An chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, triều cường năm 2024

Ngày 09/10, UBND tỉnh ban hành văn bản về việc tập trung các biện pháp phòng ngừa, ứng phó trước các tình huống lũ lên nhanh kết hợp mưa lớn nội đồng và triều cường tháng 10, 11 gây thiệt hại sản xuất và ngập úng cục bộ các khu dân cư.

Mực nước lũ tại các huyện đầu nguồn tăng nhanh (trong ảnh: nông dân mở đồng đón lũ)

Theo dự báo của các Cơ quan khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và dự báo tình hình nguồn nước của cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Năm 2024, mực nước lũ ở thượng nguồn mặc dù không lớn nhưng dưới tác động của các đợt triều cường tăng cao ở các tháng 10, 11 kết hợp với lũ thượng nguồn đổ về và mưa nội đồng có thể gây ra tình trạng ngập úng một số khu vực trũng thấp.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai bất lợi có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh Long An trong thời gian tới, nhằm bảo đảm an toàn diện tích sản xuất, các công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi, đê điều, giao thông và các khu dân cư có địa hình trũng thấp; bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng của người dân, UBND tỉnh yêu các sở, ngành tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1924/CT-UBND, ngày 27/6/2024 của UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.

Đồng thời, huy động lực lượng thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, theo dõi chặt chẽ, nắm bắt diễn biến từng loại hình thời tiết, thiên tai để tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Bảo đảm thông tin được truyền tải đến từng ấp, khu phố và người dân; từ đó, có phương án chủ động úng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, đặc biệt là trường hợp mưa, bão, lũ kết hợp triều cường cộng hưởng với xả lũ hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa,… tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.

Triều cường tại các huyện phía Nam dâng cao, nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ

Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban phòng, chống thiên tai theo quy định, bảo đảm kịp thời tham mưu công tác chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn, các bản tin thời tiết, thiên tai do các cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn cung cấp;…

Các lực lượng chức năng như Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Sở Y tế,... tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ UBND cấp huyện tập trung huy động lực lượng trực ban, sẵn sàng huy động phương tiện, vật tư, trang thiết bị sẵn có tại địa phương để tham gia ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực xảy ra thiên tai khi có yêu cầu. 

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát, gia cố hệ thống đê điều, đặc biệt là tại các đoạn đê yếu, dễ bị sạt lở. Đồng thời, thường xuyên thông tin về tình trạng đê điều để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình khí tượng, thủy văn từ các trang thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... nhằm kịp thời nắm bắt thông tin nhằm tuyên truyền, phổ biến đến người dân để đưa ra các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó, đặc biệt là trong thời gian diễn ra lũ, mưa lớn và triều cường tháng 10, 11 sắp tới./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết