Tiếng Việt | English

10/11/2020 - 17:41

Long An: Hội thảo phát triển kinh tế biên giới gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng

Chiều 10/11, tại thị xã Kiến Tường, Sở Công Thương tỉnh Long An phối hợp Viện nghiên cứu Kinh tế phát triển thuộc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế biên giới gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh Long An”.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo

Tham gia hội thảo có nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nguyên, một số nhà khoa học, lãnh đạo một số sở, ban ngành, địa phương, 20 xã biên giới trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An - Châu Thị Lệ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Công Thương phối hợp Viện nghiên cứu Kinh tế phát triển - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế biên giới gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh Long An”. Đề án đã được đơn vị tư vấn nghiên cứu, tổng hợp, dự thảo cơ bản nội dung. Hội thảo này nhằm tiếp thu, lắng nghe những cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn từ các chuyên gia, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân vùng biên giới.

Hội thảo tập trung vào một số nội dung chính như kinh nghiệm phát triển kinh tế biên giới trong và ngoài nước; thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển kinh tế biên giới gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh của các địa phương trong tỉnh Long An.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nguyên phát biểu tại hội thảo

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nguyên cho rằng, hiện nay kinh tế biên giới Long An thiếu động cơ phát triển so với nội địa, các mặt thuận lợi để giao thương với các nước bạn mờ nhạt, nhất là tương lai, khi khu vực thương mại tự do ASIAN có hiệu lực hoàn toàn, sức hút biên giới sẽ không còn. Theo quy hoạch vùng biên giới chủ yếu là nông nghiệp, định hướng tiếp theo là phát triển lúa gạo theo hướng chất lượng cao, nâng cao thu nhập dân cư, thu hút đầu tư bằng chính sách để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Chuyển lao động nông nghiệp sang lĩnh vực khác, tập trung đất đai để có các nông trại lớn. Ngoài ra, thương mại, công nghiệp cũng cần có cơ chế, chính sách phát triển.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nguyên cho rằng phát triển giao thông khu vực biên giới Long An cực kỳ quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng biên giới. Trong đó, cần ưu tiên mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 62 lên 4 làn xe, sẽ thúc đẩy xuất nhập khẩu cũng như đầu tư tăng vọt. Ngoài ra, cần mở rộng đường giao thông 4 làn xe nối Tho Mo - Đức Hòa và Trâm Dồ - Tân Hưng; hoàn chỉnh tuyến N2, N1; các tuyến nối cửa khẩu, ra biên giới.

Ngoài ra, hội thảo còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đơn vị có liên quan nhằm phát huy thế mạnh kinh tế biên giới Long An. Các ý kiến này là cơ sở để Sở Công Thương và đơn vị tư vấn nghiên cứu bổ sung hoàn thiện Đề án, bảo đảm Đề án khi hoàn thành, triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng an ninh của các huyện biên giới.

Vùng biên giới tỉnh Long An bao gồm huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường và Đức Huệ. Đây là 1 trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Mục tiêu đến năm 2030, vùng biên giới sẽ trở thành vùng kinh tế năng động, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Khu kinh tế cửa khẩu trở thành một hạt nhân kinh tế thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Long An, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông qua đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, thương mại và hợp tác giao thương giữa Việt Nam và Campuchia. Nơi có môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân đạt mức trung bình của tỉnh./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết