Tiếng Việt | English

28/07/2016 - 20:01

Long An: Nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ N2

N2 là tuyến quốc lộ huyết mạch đi ngang qua 6 huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Thạnh Hóa, Thủ Thừa và Tân Thạnh của tỉnh Long An. Hiện nay, do lưu lượng xe qua lại ngày càng tăng, việc buôn bán, xây cất lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) trên tuyến ngày càng nhiều nên tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) đang được báo động.

Lợi nhuận quá cao, không sợ bị phạt

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thủ Thừa - Nguyễn Hữu Đông, hiện nay, có khoảng 70 hộ tại địa bàn các xã: Tân Lập, Long Thạnh, Long Thuận và Long Thành xây cất, san nền, lấn chiếm HLATĐB tuyến N2 để cất quán giải khát, quán ăn, thậm chí buôn bán động vật hoang dã, nhiều nhất tại địa bàn xã Long Thành.

Ông Đông cho biết thêm: "Do lượng khách đi ngang Quốc lộ N2 khá lớn nên việc buôn bán rất thuận lợi, doanh thu trong ngày cao nên họ không sợ bị phạt". Được biết, mức phạt hiện nay về hành vi buôn bán lấn chiếm HLATĐB chỉ trên dưới 2 triệu đồng.

Chính quyền và cơ quan chức năng huyện Thạnh Hóa quyết tâm giải tỏa việc lấn chiếm HLATĐB tuyến Quốc lộ N2 (Trong ảnh: Đoạn đường đầu cầu Thạnh Hóa trước đây tập trung nhiều hộ buôn bán, đặt bảng hiệu lấn chiếm lòng đường, nay đã được giải tỏa)

Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thạnh Hóa - Võ Quang Toản cho biết: "Trên địa bàn huyện Thạnh Hóa, tình trạng lên nền trái phép cũng có nhưng không nhiều, chủ yếu là các hộ buôn bán lấn chiếm HLATĐB. Đội Quản lý trật tự đô thị kết hợp cán bộ Địa chính và chính quyền địa phương xử lý nghiêm".

Tuy nhiên, tình trạng xây cất trái phép của các hộ dân và các tuyến đường nông thôn đấu nối với Quốc lộ N2 lại khá phức tạp. Do đó, cần có đường gom (đường dân sinh) cặp các đoạn đường mà người dân tập trung buôn bán. Đây là giải pháp khá tốn kém nhưng có thể giải quyết triệt để tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường và bảo đảm trật tự, ATGT. Trên tuyến Quốc lộ N2 (địa bàn huyện Thạnh Hóa) có 346 trường hợp vi phạm, xử lý xong 225 trường hợp, còn lại 91 trường hợp tiếp tục xử lý.

Cơ quan chức năng phối hợp địa phương vào cuộc

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thủ Thừa, trong chiến dịch giải tỏa việc lấn chiếm HLATĐB, Thanh tra Giao thông Vận tải, Chi cục Quản lý đường bộ IV.2 (đơn vị quản lý tuyến N2) phối hợp Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thủ Thừa và UBND các xã: Long Thành, Long Thạnh, Long Thuận và Tân Lập tiến hành nhiều đợt giải tỏa.

Trong đợt 1 ra quân giải tỏa HLATĐB, đoàn lập biên bản nhiều trường hợp vi phạm (từ tim lộ ra 15m) và yêu cầu các hộ tự tháo dỡ phần xây cất từ tim lộ ra 7,5m. Qua phúc tra, có 18 trường hợp tự tháo dỡ, còn lại 53 trường hợp chỉ tháo dỡ một phần và không chấp hành tháo dỡ. Sau đó, đoàn kiểm tra và tiếp tục cưỡng chế tháo dỡ 51 trường hợp (từ tim đường ra 7,5m), còn lại 32 trường hợp có kế hoạch giải tỏa sau.

Ông Nguyễn Hữu Đông cho biết thêm: "Hiện nay, việc san lấp đất nông nghiệp để xây cất hàng quán có chiều hướng gia tăng. Việc này đòi hỏi sự vào cuộc của ngành Tài nguyên-Môi trường, nhất là trách nhiệm của cán bộ Địa chính". Được biết, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thủ Thừa kiến nghị UBND huyện có giải pháp chấn chỉnh hành vi lên nền trái phép dọc tuyến N2.

Việc phúc tra, hậu kiểm và xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ phải gắn liền với việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây cất cơ sở sản xuất, kinh doanh đúng quy định pháp luật. Các cơ quan chức năng, chính quyền nên giải thích và hướng dẫn các cá nhân, doanh nghiệp làm thủ tục đầu tư xây dựng ngoài phạm vi HLATĐB theo đúng trình tự, thủ tục. Qua đó, góp phần bảo đảm trật tự, ATGT, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân./.

Hải Đăng

Chia sẻ bài viết