Nông dân thu lợi nhuận cao hơn khi chuyển sang cây trồng khác từ đất lúa
Chuyển đổi sang cây trồng cạn
Trước nguy cơ khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn có thể diễn ra nghiêm trọng kéo dài trong mùa khô ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nông dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích lúa thiếu nước sang canh tác các loại cây trồng phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong năm 2014, 2015, toàn tỉnh chuyển đổi 12.677,52ha đất lúa sang cây trồng khác như thanh long, chanh, bắp, mè, đậu phộng, dưa hấu, rau màu,… và bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Trong đó, diện tích chuyển đổi thanh long 4.011ha, lợi nhuận 350-500 triệu đồng/ha/năm, cây chanh gần 2.000ha, lợi nhuận 100-250 triệu đồng/ha/năm, cây bắp lai 936ha, lãi từ 8 đến 12 triệu đồng/ha và bắp giống lợi nhuận 25 triệu đồng/ha, rau các loại,… diện tích chuyển đổi gần 4.000ha, lợi nhuận trên 70 triệu đồng/ha.
Nhờ chuyển đổi sang trồng cây thanh long, mà kinh tế của người dân huyện Châu Thành ổn định, phát triển, nhiều hộ vươn lên khá giả. Bên cạnh cây thanh long thì chanh là cây trồng cạn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Trần Duy Thuận, ngụ ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức cho biết: “Gia đình trồng khoảng 30ha chanh và mới thành lập hợp tác xã cùng 7 hộ dân khác. Chanh hiện nay giá khoảng 23.000/kg, một năm, gia đình thu lợi nhuận cũng được vài trăm triệu đồng. Mặc dù chanh có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt, nhưng tôi không hề chủ quan trong sản xuất. Để giúp chanh đạt năng suất cũng như chất lượng, gia đình và các thành viên trong hợp tác xã tích cực bơm, xả nước ngọt vào hệ thống bơm tưới nhằm giúp chanh chống hạn, mặn được tốt hơn”.
Bố trí vụ mùa hợp lý
Thực tế sản xuất ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh trong tình hình khô hạn, nhiều diện tích lúa đến giai đoạn trổ bông, làm đòng bị thiếu nguồn nước tưới dẫn đến tình trạng mất mùa, nông dân vừa mất công chăm bón, chi phí đầu tư.
Trong khi đó, nếu thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp sẽ giúp người dân chủ động và an toàn trong sản xuất, hiệu quả kinh tế cao hơn khi trồng lúa trong điều kiện thiếu nước tưới.
Do vậy, các ngành chức năng, địa phương cần xác định rõ diện tích chuyển đổi, loại cây trồng sẽ chuyển đổi, từ đó tập trung vận động, tuyên truyền để người dân thấy rõ lợi ích của việc chuyển đổi trong điều kiện thời tiết diễn biến khó lường, nguy cơ khô hạn có thể xảy ra như hiện nay.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, do ảnh hưởng El Nino, mùa khô sẽ kéo dài. Giải pháp quan trọng thời điểm này là chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đối phó với hạn, mặn xâm nhập.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Lê Văn Hoàng cho biết: “Để chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới, các vùng không đủ lượng nước cho sản xuất cần có phương án chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ, hoặc bố trí dịch chuyển khung thời vụ sản xuất cho phù hợp để tránh hạn; thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến cho lúa và cây trồng cạn; bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành tập trung xây dựng và triển khai đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp dựa trên nền tảng nội lực là chủ yếu, trên cơ sở phát huy lợi thế về vị trí địa lý và kinh tế - xã hội, điều kiện sản xuất của từng địa phương để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả cao và bền vững”./.
Hải Phong-Đức Minh