Ban ngày bận mưu sinh, tối đến, các em nhỏ con Việt kiều Campuchia được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuyên Bình dạy học tại lớp học tình thương
Mang con chữ đến với con em Việt kiều Campuchia
Lớp học được tổ chức tại Trường Tiểu học Tuyên Bình do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuyên Bình giảng dạy. Sau cơn mưa chiều, sân trường đầy lá, những em đến sớm cùng nhau quét dọn sạch sẽ. 18 giờ 30 phút, lớp học chính thức bắt đầu. Từ 2 phòng học vọng ra tiếng học sinh trả bài, tiếng thầy giáo giảng bài. Những học sinh của lớp học đặc biệt này nước da đen nhẻm, tay chân cáu bẩn nhưng đôi mắt sáng ngời khi được những người lính biên phòng cầm tay nắn nót từng con chữ. Thấy khách đến, cả lớp đứng dậy chào. “Tụi nhỏ ở đây hoàn cảnh khó khăn nhưng rất ngoan và lễ phép” - người phụ trách lớp học cho biết.
Chiến sĩ trẻ Nguyễn Quốc Huy quê ở huyện Tân Thạnh, vừa nhập ngũ và trở thành “thầy giáo quân hàm xanh”. Huy chia sẻ: “Dù chưa một ngày đứng trên bục giảng nhưng nghĩ đến những thiệt thòi của các em nên tôi càng quyết tâm hơn. Chỉ cần thấy các em biết đọc, biết viết là chúng tôi vui rồi!”.
Theo sự chia sẻ của các anh, cái khó nhất chính là cách để truyền đạt kiến thức cho các em. Bởi trong cùng một lớp, trình độ của các em không đồng đều nên việc giảng dạy rất khó. “Có em tiếp thu bài rất chậm, phải học đi học lại nhiều lần, mình chỉ dẫn tận tình, các em mới viết được những con chữ đầu tiên. Chúng tôi mong các em biết đọc, biết viết, biết tính toán,...” - anh Huy thông tin.
Gian nan đi tìm con chữ
Hầu hết những đứa trẻ ở lớp học tình thương là con, em của Việt kiều Campuchia hồi hương, cuộc sống rất khó khăn. Cha mẹ chúng không quốc tịch, không đất sản xuất, không việc làm ổn định, không biết chữ,...
Lớp học bắt đầu được hơn 30 phút, có vài em nhỏ hớt hơ hớt hải chạy đến xin thầy giáo vào lớp. Hỏi ra mới biết, các em đi bán vé số về trễ. Ở tuổi 13, đáng lẽ Nguyễn Thị Kim Ly phải vào học THCS nhưng em mới học lớp 3 trong lớp học tình thương. Nhà Ly có 4 anh chị em. Ba đi làm hồ, mẹ và Ly đi bán vé số. Ngày nào cũng vậy, dù mưa hay nắng, em cũng dậy rất sớm, bắt xe buýt từ Vĩnh Hưng xuống thị xã Kiến Tường với xấp vé số trên tay, gần một ngày ròng rã, Ly bán được khoảng 200 tờ.
Nắn nót từng con chữ
“Nhà em không ai biết chữ. Từ khi về Vĩnh Hưng sinh sống, mấy chú bộ đội đến nhà vận động em với em gái đi học nên cha mẹ đồng ý. Mỗi ngày, lúc 5 giờ sáng, em bắt đầu đi bán vé số, đến chiều về đi học. Bây giờ, biết viết, đọc được chữ, biết làm những bài toán đơn giản, em vui lắm!” - Ly bộc bạch.
Đồng cảnh ngộ như Ly có em Nguyễn Thị Được, 11 tuổi. Được là con gái út trong gia đình có 10 anh chị em, không ai biết chữ. Trước giờ đi học, Được vất vả ngược xuôi bán hết 150 tờ vé số.
Lớp học tình thương do Đồn Biên phòng Tuyên Bình tổ chức được gần 6 năm nay. Hiện tại, lớp học có khoảng 50 học sinh nhưng chưa bao giờ các em có mặt đầy đủ, bởi cứ vài ba hôm lại có em xin nghỉ học vì phải theo cha mẹ đi nơi khác mưu sinh.
Thượng úy Đào Đình Luyện - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tuyên Bình, cho biết, ban ngày, bọn trẻ đều phải đi làm, phụ giúp gia đình. Có đứa đi cắt lục bình, có đứa đi phụ bán quán cơm,... nhưng nhiều nhất là đi bán vé số. Vì vậy, từ nhiều năm nay, đồn đều chọn dạy học vào buổi tối để các em có điều kiện được đến lớp. Lớp học có tất cả 5 thầy giáo phụ trách giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 4. Những năm trước, khi không đủ người dạy học, anh Luyện cùng tham gia đứng lớp. Những thầy giáo được chọn dạy lớp học tình thương phải là những người có tâm, có lòng yêu trẻ.
Đều đặn gần 6 năm qua, mỗi tối từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuyên Bình lại lên lớp giảng dạy các em tại lớp học tình thương
Lớp học được tổ chức từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần và không nghỉ hè. Các em nhỏ chỉ được nghỉ học vào những dịp lễ, tết. Đầu năm học, các anh tổ chức họp phụ huynh như bao lớp học khác. Trước kia, mỗi lần đi vận động các em đến lớp là cả một vấn đề. Các anh cứ “lê la” trò chuyện, kiên trì thuyết phục, giải thích với cha mẹ bọn trẻ. Dần dần, bọn trẻ cũng được đến lớp. Các em chỉ việc sắp xếp thời gian để đến lớp, tất cả tập, sách, đồ dùng học tập,... đều được các anh vận động. Ngoài dạy kiến thức, các em ở lớp học tình thương còn được thầy giáo quân hàm xanh dạy về đạo đức. Đó là tình yêu thương gia đình, biết giúp đỡ bạn bè và vâng lời ông bà, cha mẹ,... Tại vùng biên xa xôi, ban ngày những người lính phải tuần tra, đêm lại đến với lớp học tình thương. Vất vả, khó nhọc nhưng họ đều cảm thấy vui vì giúp được các em nhỏ biên giới.
Niềm vui đó được nhân lên khi thấy các em biết đọc, biết viết và làm toán. Đó là điều mà thế hệ ông bà, cha mẹ của các em xem như giấc mơ vì còn phải tất bật với cuộc mưu sinh. 20 giờ 30 phút, lớp học kết thúc. Không có tiếng trống, không có người thân đưa rước, những đứa trẻ vội vã ra về để chuẩn bị hành trình mưu sinh vào sáng hôm sau. Có chăng, đọng lại trong tâm hồn bọn trẻ nơi biên giới là tình cảm ấm áp, sự ân cần dạy dỗ thầm lặng của những người thầy giáo mang quân hàm xanh./.
Nguyệt Nhi