Nhiều diện tích lúa thu đông chưa thu hoạch
Mặc dù ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân tập trung gieo sạ vụ ĐX 2024-2025 dứt điểm trong tháng 12/2024, tuy nhiên, đến nay còn nhiều diện tích chưa gieo sạ do chưa thu hoạch xong vụ lúa Thu Đông 2024.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh còn khoảng 13.000ha lúa Thu Đông 2024 đang trong giai đoạn chín, nông dân tập trung thu hoạch để gieo sạ vụ lúa ĐX 2024-2025. Các diện tích này chủ yếu tập trung ở các huyện: Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Tân Hưng, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường.
Nhiều diện tích lúa Thu Đông 2024 được nông dân tập trung thu hoạch
Ghi nhận tại huyện Tân Trụ, thời điểm này, nhiều diện tích lúa Thu Đông 2024 được nông dân tập trung thu hoạch. Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ, vụ Thu Đông 2024, toàn huyện gieo sạ 5.012ha, đến nay đã thu hoạch gần 4.700ha; còn hơn 300ha, nông dân đang thu hoạch, dự kiến thu hoạch dứt điểm trước ngày 10/01/2025.
Ông Nguyễn Văn Bền (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) nói: “Vụ Thu Đông năm nay, gia đình tôi gieo sạ thì gặp đợt mưa kéo dài, lúa lên không đều phải cày xới và gieo sạ lại. Do đó, vụ lúa này thu hoạch muộn hơn hàng năm. Sau vụ này, tôi sẽ lên liếp để trồng rau màu, không gieo sạ vụ ĐX để tránh thiệt hại do hạn, mặn ở cuối vụ”.
Sâu, bệnh gia tăng
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết các sinh vật gây hại trên lúa ĐX 2024-2025 đều gia tăng diện tích nhiễm so với tuần trước. Trong đó, tăng nhiều là bệnh đạo ôn lá, ốc bươu vàng. Cụ thể, bệnh lem lép hạt có diện tích nhiễm 1.861ha, tăng 202ha so với tuần trước, tỷ lệ bệnh phổ biến là 5-10%, tập trung ở giai đoạn lúa trổ chín, chủ yếu ở các huyện: Tân Thạnh (1.766ha) và Mộc Hóa (95ha). Bệnh đạo ôn lá có diện tích nhiễm 1.573ha, tăng 338ha so với tuần trước, tỷ lệ bệnh phổ biến 5-10%, tập trung trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, đòng, chủ yếu ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường.
Ngoài ra, còn có các đối tượng sinh vật gây hại khác như ốc bươu vàng (485ha), chuột (200ha), bệnh đạo ôn cổ bông (100ha), sâu năn (70ha), bọ trĩ (45ha), sâu cuốn lá nhỏ (15ha),... gây hại trên trà lúa giai đoạn mạ, đẻ nhánh, đòng trổ ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Đức Huệ, Bến Lức, Tân Trụ, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Thời tiết hiện nay se lạnh, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu, bệnh hại tấn công và phát triển ở các trà lúa ĐX 2024-2025 trên địa bàn tỉnh. Do đó, ngành Nông nghiệp các địa phương và nông dân cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện, có biện pháp phòng trừ hiệu quả sâu, bệnh gây hại”.
Xâm nhập mặn cao hơn trung bình nhiều năm
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia thông tin, từ tháng 12/2024 đến tháng 5/2025, tổng lượng dòng chảy trên sông Mêkông về Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5-15%. Từ đó, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,2m. Trước tình hình trên, dự báo xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024-2025 tại Đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có Long An) sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Cống Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ) đã được đóng để ngăn mặn, trữ ngọt
Cụ thể, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, mực nước đầu nguồn các sông: Vàm Cỏ, Rạch Cát, sông Tra, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, xâm nhập mặn vùng cửa sông Soài Rạp, Vàm Cỏ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Về nguồn nước trên sông Vàm Cỏ Tây, từ TP.Tân An trở lên có khả năng lấy được nước ngọt đến cuối tháng 01/2025; trên sông Vàm Cỏ Đông giữa tháng 01/2025 trở đi, nguồn nước chỉ xuất hiện một vài ngày vào lúc chân triều thời kỳ triều kém, thời gian còn lại nước mặn; từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4/2025, không có khả năng xuất hiện nước ngọt; độ mặn trong tháng 5/2025 sẽ nhỏ hơn dự báo nếu có mưa; độ mặn trong tháng 6/2025 tại các trạm giảm dần đến hết tháng.
Theo Quyền Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Trần Thị Mộng Thúy, trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong khu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) sẽ làm cho tình trạng hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn, nhất là khu vực lân cận cầu Nổi (sông Vàm Cỏ) hầu như không có nước ngọt trong suốt mùa khô, kể cả lúc triều thấp.
để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước trong mùa khô 2024-2025; đồng thời, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất vụ lúa ĐX 2024-2025, Hè Thu 2025 và ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng bị ảnh hưởng thiếu nước trong mùa khô, Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh đề nghị Trung tâm Quản lý Khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện phía Nam và TP.Tân An thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến độ mặn và xây dựng kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý.
Đồng thời, kiểm tra và có kế hoạch xử lý triệt để các cửa cống bị rò rỉ để phủ bạt, thay thế các ron cửa cống bị hư hỏng để tránh tình trạng nước mặn xâm nhập nội đồng nhằm bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân./.
|
Theo số liệu thống kê, tình hình sâu, bệnh gây hại trên lúa Đông Xuân 2024-2025 gia tăng diện tích nhiễm.
|
Bùi Tùng