Tiếng Việt | English

24/10/2017 - 21:33

Mai vàng về với vùng đất khó

Nhận thấy cây mai vàng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương và cho giá trị kinh tế cao, nhiều hộ dân ở xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang trồng mai.

Theo thống kê của UBND xã Tân Tây, địa phương có hơn 100 hộ trồng mai vàng với trên 20ha, tập trung chủ yếu ở ấp 4. Ông Trần Văn Vị, ngụ ấp 4, là người đầu tiên mang cây mai về với vùng đất khó. Ông Vị cho biết: “Vùng đất này, trồng lúa thường xuyên bị chuột phá, sâu, rầy,... nên sau khi tìm hiểu và học nghề trồng mai, tôi quyết định chuyển gần 1,5ha đất lúa sang trồng mai”.

Nhờ trồng mai vàng, gia đình của ông Trần Văn Vị trở nên khá giả hơn

Hiện tại, vườn mai của ông có hơn 3.500 gốc có thể bán ra thị trường; trong đó, có nhiều gốc trị giá trên 100 triệu đồng. “Chăm sóc mai không khó, chỉ cần khéo léo tỉa cành, tạo dáng và chăm bón sao cho mai ra hoa đúng dịp tết. Những gốc mai càng lâu năm thì giá trị càng cao và được thương lái ưa chuộng,...” - ông Vị chia sẻ thêm.

Cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Tấn Nơi, ngụ ấp 4, khá giả hơn cũng nhờ cây mai. Mỗi năm, ông thu lợi gần 1 tỉ đồng từ bán mai. Ông Nơi so sánh, trồng mai thu lợi hơn gấp nhiều lần trồng lúa. Trung bình 1.000m2 đất, nông dân trồng khoảng 500 gốc mai, sau 3 năm chăm sóc, bán với mức giá trung bình từ 1-3 triệu đồng/gốc, thu lợi gần tỉ đồng; trong khi, người trồng lúa mỗi năm 2 vụ, chỉ có thể thu lợi khoảng 8 triệu đồng/năm.

“Cây mai vàng có khả năng chịu nước tốt, lũ dù có ngập vài ngày, mai vẫn sống khỏe, miễn sao không để nước ngập sân. Trước khi trồng, nông dân chỉ cần xới đất thật kỹ, rải phân chuồng phủ lên rồi đảo đều, lên liếp trồng. Để mai sinh trưởng tốt, người trồng phải thường xuyên thăm đồng, phát hiện sâu, bệnh thì xịt thuốc; mỗi năm rải phân hóa học ít nhất 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa” - ông Nơi chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Kiệt, ngụ ấp 4 - Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, khoe: “Trời phú cho mai ở vùng đất này bộ rễ đẹp, rễ chùm chứ không phải đuôi chuột như ở chỗ khác. Thương lái mai, hoa kiểng một số tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương,... đến mua rất thích và trả giá cao, vào tận vườn thu mua quanh năm, thường cao điểm từ tháng 10 âm lịch cho đến Tết Nguyên đán”.

Nhiều hộ dân ở ấp 4 chuyển từ trồng lúa sang trồng mai vàng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn

Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Nguyễn Văn Chẳn cho biết, từ khi chuyển sang trồng mai, đời sống một số hộ dân nơi đây dần ổn định, khấm khá hơn. Hiện tại, phong trào trồng mai vàng diễn ra khá rầm rộ. Địa phương cũng phối hợp tổ chức một số cuộc hội thảo, lớp tập huấn về kỹ thuật trồng mai, giúp người trồng đạt hiệu quả cao hơn, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.

Mai là loại cây cảnh không thể thiếu trong nhà vào dịp Tết Nguyên đán. Hiện nay, người trồng mai rất cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ chính quyền địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý trên vùng đất khó./.

Phong Nhã 

Chia sẻ bài viết