Những “tỷ phú” trồng mai
Khởi nghiệp trồng mai với con số 0 tròn trĩnh về kỹ thuật, ông Tuấn lặn lội học tập kinh nghiệm từ những “tay cao thủ” trong nghề trồng mai ở tận Thủ Đức, Củ Chi, Bình Dương... Khi nắm rõ kỹ thuật, ông mua giống mai ở xa Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM về trồng.
Những gì học từ các bậc thầy cùng kiến thức thực tế và sự mày mò tự học, bây giờ, ông Tuấn thành công với nghề trồng mai tết. Như cái tết vừa rồi, ông bán được hơn 1.000 gốc mai, sau khi trừ chi phí lãi hơn 700 triệu đồng.
Cứ mỗi dịp tết lại có khách hàng tìm đến tận nơi thu mua. Mấy ngày gần đây, trong tổng số 40.000 gốc mai hiện có, ông bán gần 1.000 gốc với giá từ 350.000 đồng - 10 triệu đồng/gốc (tùy gốc lớn, nhỏ).
Còn ông Trí Vương ở ấp 3B, xã Hựu Thạnh đang sở hữu 10ha mai với gần 70.000 gốc. Vào những ngày cận tết, ngoài số lượng thương lái đến tận nơi thu mua, ông còn bán lẻ cho khách vãng lai và mang một ít đến chợ quận 8, TP.HCM để bán như một thú vui ngày tết. Hằng năm, sau khi trừ chi phí, ông lãi gần 1 tỉ đồng.
Từ khi chuyển từ mía sang trồng mai, nhiều nông dân ở xã Hựu Thạnh “ăn nên làm ra”
(Trong ảnh, ông Phan Văn Tuấn – một trong những tỉ phú trồng mai đang cắt tỉa vườn mai)
Mai vàng Hựu Thạnh
Ở xã Hựu Thạnh, những người trồng mai lâu năm như ông Tuấn, ông Vương... không lo sợ đầu ra vì hằng năm, trước tết 1 tháng, nhiều thương lái tìm đến đặt cọc trước vì mai nơi đây đạt chất lượng.
Theo ông Tuấn, đó là những gốc mai to, thân cây có nhiều tàn, nhiều nhánh, nở đúng tết, bông to... Nhờ một phần đặc điểm thổ nhưỡng của Hựu Thạnh nên gốc mai khi bứng không rã bầu, cho vào chậu không chết, không héo và cũng không rụng bông.
Ngoài đất đai phù hợp, cây mai phải được chăm sóc kỹ mới có thể đẹp. Hằng năm, khoảng tháng 2 âm lịch, các nhà vườn ở Hựu Thạnh bắt đầu ươm mai và mang ra ruộng trồng sau 4 tháng. Lúc ươm phải tưới nước và phun thuốc dưỡng cây, trừ sâu bệnh. Đến lúc trồng trên ruộng phải bón phân tro, xịt thuốc và làm cỏ...
“Mai đem ra ruộng trồng, 1ha chỉ trồng 7.000 gốc, mỗi gốc cách nhau hơn 1m để chúng phát triển tốt. Khi cây mai cao gần đến đầu gối người lớn thì bấm đọt để tạo nhánh và tán tròn”, ông Nguyễn Văn Hoàng – người có thâm niên trồng mai hơn 10 năm ở xã Hựu Thạnh cho biết.
Hiện tại, ông Hoàng đang trồng 8ha mai, trung bình mỗi năm bán ra 3.000 gốc. Mai của ông là loại mai có bông 2 lớp, to, nhiều cánh. Theo ông Hoàng, muốn mai đẹp, cánh to, vàng rực thì phải bón nhiều phân tro. Trung bình, cứ 0,5ha đất trồng mai phải đầu tư gần 30 triệu đồng.
Khâu lặt lá sẽ quyết định mai ra hoa có đúng dịp tết hay không? Nếu đúng kỹ thuật thì lá mai sẽ được lặt trước ngày giao thừa đúng 14 ngày. Tuy nhiên, khâu này lại phụ thuộc vào thời tiết. Nếu tiết trời lạnh thì lặt lá sớm, nếu trời nắng có thể lặt trễ hơn. Với thời tiết như năm nay, các nhà vườn đã lặt lá mai vào 14 tháng Chạp âm lịch./.
Nguyễn Ngọc