Cánh đồng lúa bị thiệt hại do xâm nhập mặn ở tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: TTXVN)
Ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, xâm nhập mặn tại vùng cửa sông Nam Bộ sẽ tiếp tục sâu hơn và cao hơn cùng kỳ của mùa khô 2015 và trung bình nhiều năm.
Từ cuối tháng Hai, mặn có khả năng duy trì ở mức cao, nghiêm trọng.
Trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn trên 4g/l có thể xâm nhập sâu 50-70 km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70 km, thậm chí có nơi lên đến 85 km.
Độ mặn sẽ tăng cao, kéo dài đến đầu tháng 5 và nếu không có mưa, mặn sẽ tới tháng 6, thậm chí qua tháng 7.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay nhiệt độ trung bình ở các tỉnh phía Nam cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-1,5 độ C.
Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm ở khu vực Nam Bộ. Lượng mưa khu vực Nam Bộ phổ biến thiếu hụt so trung bình nhiều năm từ 30-50%.
Bên cạnh đó, khu vực Nam Bộ có khả năng xuất hiện khô hạn gay gắt ngay trong nửa đầu năm 2016.
Viện khoa học thủy lợi Việt Nam dự báo các khu vực cửa sông thuộc sông Tiền, độ mặn năm nay cao hơn cùng kỳ năm 2015 từ 1,7-9,1g/l và vào sâu khoảng 40-65km, cao hơn cùng kỳ 10-15km.
Khu vực các cửa sông thuộc Hậu, độ mặn năm nay cao hơn so cùng kỳ 2015 từ 5,4-11,7g/l và vào sâu 60 km, cao hơn cùng kỳ khoảng 20 km.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện khoa học thủy lợi Việt Nam, diện tích lúa đông xuân 2015-2016 có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển hơn 300.000 ha, chiếm hơn 35% diện tích xuống giống của vùng và chiếm hơn 20% diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2015-2016 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đáng lưu ý, năm nay mặn xâm nhập sâu làm ảnh hưởng đến bưởi da xanh, sầu riêng, xoài tại nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng.
Nhiều thành phố có khả năng thiếu nước sinh hoạt từ tháng 2 trở đi là Bến Tre, Trà Vinh, Rạch Giá, Vị Thanh./.
Theo TTXVN