Tiếng Việt | English

17/02/2016 - 05:32

Người dân đồng bằng Sông Cửu Long khốn đốn vì xâm nhập mặn

UBND tỉnh Bến Tre đã cho triển khai khẩn cấp các điểm cấp nước ngọt sinh hoạt giá thấp cho người dân tại các xã ven biển.

Người dân ven biển Bến Tre sử dụng nước sinh hoạt giá cao.

Tình trạng hạn, mặn đến sớm và vào sâu đất liền bất thường, làm ngành chức năng và nông dân của các tỉnh ven biển ĐBSCL dù đã chủ động ứng phó từ đầu nhưng vẫn không trở tay kịp. Hàng ngàn hecta lúa, cây ăn trái bị mặn tấn công vượt ngưỡng chịu đựng.

Tại tỉnh Bến Tre, độ mặn 1‰ đã vào sâu đất liền từ 60 – 75 km, phủ trùm 152/164 xã, phường, thị trấn; trong khi độ mặn 6‰ đã xâm nhập từ 45 – 60km, sớm hơn một tháng rưỡi so với mọi năm. Tình trạng này đã khiến gần 7.000ha lúa đông xuân muộn của các huyện Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại bị ảnh hưởng nghiêm trọng và hàng ngàn ha cây ăn trái tại huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Giồng Trôm có nguy cơ bị rụng trái. Không chỉ vậy, mặn xâm nhập còn gây thiếu nước sinh hoạt cho hơn 2.000 hộ dân tại các xã ven biển tỉnh Bến Tre.

Anh Trần Thanh Sang ở xã Tân Xuân, huyện Ba Tri – một gia đình có 5 nhân khẩu cho biết: "Nước giếng ở đây xài không được, chỉ có thể giặt đồ thôi, rửa tay, rửa chân còn ăn uống thì dùng nước ghe. Vùng này nước sông nhiễm mặn nặng không thể dùng được. Xài nước ghe, một tháng cũng hết hơn 200.000 đồng tiền nước”.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Bến Tre ngày 16/2 đã cho công bố thiên tai xâm nhập mặn; đồng thời triển khai khẩn cấp các điểm cấp nước ngọt sinh hoạt giá thấp cho người dân tại các xã ven biển.

Còn tại Trà Vinh, hiện toàn tỉnh hiện đã bị nước mặn bao vây và vượt ngưỡng chịu mặn đối với các loại cây trồng. Riêng cây lúa, đến thời điểm này đã có 285ha bị mất trắng và 330 ha bị thiệt hại từ 30-70%, đặc biệt có hơn 11.000 ha lúa đông xuân tại huyện Trà Cú mới được 35-45 ngày tuổi nên thiếu nước vào cuối vụ là điều khó tránh khỏi.

Ông Lê Phước Dũng, Phó Chi cục thủy lợi tỉnh Trà Vinh cho biết: "Cuối tháng 12 đầu tháng 1, mặn đã xuất hiện và lên rất nhanh, khiến người dân ở vùng giáp ránh mặn ngọt không thể sử dụng được nước sông. Giải pháp hiện tại là tỉnh ứng kinh phí bơm chuyền từ kênh cấp 2 lên kênh cấp 3 để hgỗ trợ nước cho người dân. Nhưng nếu tình hình này kéo dài thì sẽ không đủ nước bổ sung”./.

Sa Oanh/VOV-ĐBSCL

Chia sẻ bài viết