Tiếng Việt | English

27/10/2021 - 07:19

Mạo danh "cơ quan điều tra" để chiếm đoạt tài sản: Vì sao nhiều người sập bẫy?

Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an, từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2021 cả nước xảy ra gần 2.500 vụ lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có 527 vụ đối tượng giả danh cơ quan tư pháp để lừa đảo, chiếm đoạt sản của người dân.

Giả danh cán bộ cơ quan điều tra gọi điện thoại cho nạn nhân đe dọa vì liên quan đến vụ án đang điều tra. Sau đó, yêu cầu bị hại chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản ngân hàng để “phục vụ công tác điều tra”. Thủ đoạn lừa đảo tuy không mới, nhưng hết sức tinh vi nên nhiều người đã “sập bẫy”, mất cả tiền tỷ.

Chỉ trong một năm cả nước xảy ra gần 2.500 vụ lừa đảo trên mạng

Ngày 05/10 vừa qua, một phụ nữ trú tại phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội nhận được điện thoại của một người lạ tự xưng là Công an đang điều tra về một đường dây mua bán trái phép chất ma túy mà chị được xác định là người có liên quan. Nữ nạn nhân cho biết, qua điện thoại, đối tượng liên tục đe dọa chị sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra. Quá hoảng sợ, nạn nhân đã làm theo mọi hướng dẫn của đối tượng.


“Quyết định truy nã” giả mạo đối tượng dùng để hù dọa nạn nhân. Ảnh: Công an nhân dân

Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ án nạn nhân bị các đối tượng mạo danh là cán bộ cơ quan tư pháp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an, từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2021 cả nước xảy ra gần 2.500 vụ lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có 527 vụ đối tượng giả danh cơ quan tư pháp để lừa đảo, chiếm đoạt sản của người dân. Thủ đoạn lừa đảo của đối tượng không mới nhưng cách thức rất tinh vi khiến nhiều người mắc bẫy. Nhóm phạm tội thường sử dụng phần mềm công nghệ cao cùng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng internet, giả danh số điện thoại. Khi gọi bằng ứng dụng này, trên điện thoại nạn nhân sẽ hiện ra số công khai của cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án. Bởi vậy, nhiều người tin ngay vì đúng là số của nhà chức trách.

Thượng tá Lê Văn Dĩnh, Phó trưởng Phòng 8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, nắm tâm lý của nạn nhân, đối tượng sẽ viện cớ đang điều tra nghi vấn liên quan vụ án. Sau đó, chúng yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt, số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng để chuyển vào tài khoản định sẵn. Lấy lý do giữ bí mật điều tra, kẻ gian buộc nạn nhân không tiết lộ sự việc với bất kỳ ai về mục đích chuyển tiền.

Nhẹ dạ, cả tin khiến nạn nhân dễ dàng vào bẫy

Thượng tá Lê Văn Dĩnh chia sẻ, các đối tượng sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, mạo danh cơ quan thực thi pháp luật như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện cho người dân để thực hiện các hành vi đe dọa khiến người dân hoang mang. Sau đó yêu cầu những người này chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp để chiếm đoạt. Chúng làm giả lệnh khởi tố, bắt tạm giam đối với nạn nhân. Sau đó đe dọa nạn nhân liên quan đến các đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia hoặc rửa tiền và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ điều tra, sau đó thì chúng đã chiếm đoạt.


Biên lai chuyển tiền của một nạn nhân. Ảnh: Công an nhân dân

Dù thủ đoạn lừa đảo đã từng được cơ quan chức năng cảnh báo nhưng vẫn có không ít nạn nhân sập bẫy của kẻ xấu. Trung tá -Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Trưởng khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân cho rằng, chính sự nhẹ dạ, cả tin của nạn nhân nên đối tượng có thể dễ dàng đưa họ vào bẫy. Đối tượng đã nghiên cứu rất kỹ hoàn cảnh, tâm lý nạn nhân mà chúng sẽ giăng bẫy và đưa ra những lời đe dọa, thúc giục khiến nhiều người lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết hành vi lừa đảo.

“Việc cảnh báo về phương thức thủ đoạn của đối tượng lừa đảo mặc dù có ở nhiều kênh khác nhau nhưng liệu đã đến được với tất cả các đối tượng người dân chưa? Phải nói rằng "chưa". Bởi có rất nhiều người dân khó có thể tiếp cận được với phương tiện thông tin đại chúng hoặc họ quá bận bịu với công việc của mình cho nên họ không có thời gian quan tâm nhiều đến những cảnh báo này. Chính vì vậy công tác tuyên truyền về những thủ đoạn của đối tượng còn những hạn chế nhất định”- Trung tá  Nguyễn Thị Thanh Thùy nói.

Lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân thông qua tin nhắn, điện thoại và mạng xã hội... Điều này khiến việc điều tra để xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật là rất khó khăn. Chính vì vậy, mỗi người dân cần trang bị cho mình những thông tin hữu ích để tự bảo vệ chính mình./.

Quang Chính/VOV.VN

Chia sẻ bài viết