Tiếng Việt | English

07/08/2021 - 20:36

Miền Tây lúa đầy đồng, thế giới muốn mua, doanh nghiệp không giao hàng được

Các khách hàng nước ngoài vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được.

Sáng 7/8, Bộ NN&PTNT tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.

Nhu cầu thế giới cao nhưng khó giao hàng

Thông tin từ Tổ công tác 970, trong tuần qua, giá lúa thường tại ruộng giảm bình quân 133 đồng, hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg.

Việc giảm giá lúa gạo và các hàng nông sản khác không phải do cung cầu mà do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng, từ ngoài đồng, đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng.

Đầu cầu Bộ NN&PTNT. Ảnh: TĐ

Đầu cầu Bộ NN&PTNT. Ảnh: TĐ

Do di chuyển thu mua giữa các địa phương khó khăn nên nhiều DN đã ngưng mua lúa. Sản lượng thu mua vụ hè thu sụt giảm 20-30%. Người dân không bán được sản phẩm, nhà máy không mua được hàng, nhà máy sản xuất xong thiếu hoặc không có ghe, salan giao lên cảng.

Hàng hóa tại kho không được khử trùng, giám định kịp thời theo quy định. Hàng giao ra cảng thiếu hoặc không có bốc xếp giao lên tàu biển. Công nhân bốc xếp phải “3 tại chỗ” rất khó khăn trong điều kiện trên tàu.

Tân Cảng là cảng container chính ngưng nhận giao gạo xuất khẩu từ tháng 7/2021 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục. Trong khi đó, lượng container ứ đọng tại Cảng Cát Lái lớn do chỉ còn 50% nhân sự làm việc.

"Các khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam nhưng các DN không giao hàng được" - tổ công tác 970 cho biết.

Làm rõ Vinafood 1, 2 không tích cực thu mua, tạm trữ lúa gạo

Để tháo gỡ tình trạng lúa đầy đồng nhưng vắng thương lái, nhiều ý kiến đề xuất cần có chính sách thu mua tạm trữ của Nhà nước để giải quyết ùn ứ.

Tuy nhiên, trong phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết đã nhận được ý kiến của một số DN, địa phương cho rằng chưa cần thiết, chỉ cần Ngân hàng Nhà nước mở rộng gói tín dụng để DN tạm trữ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, vấn đề tạm trữ quốc gia hay để DN tạm trữ trước, cả hai phương án đều phải nghĩ tới. Tuy nhiên, trước mắt ưu tiên cho DN. Nếu sau đó tình hình vẫn khó khăn thì phải nghĩ tới tạm trữ quốc gia.

Ông Hải cũng đề nghị Bộ NN&PTNT kiểm tra ý kiến cho rằng hai DN lớn nhất là Vinafood 1, Vinafood 2 không tích cực tham gia thu mua, tạm trữ lúa gạo. Dù rất chia sẻ với khó khăn của DN nhưng trong tình hình hiện nay, vai trò của Nhà nước phải đưa lên đầu, nếu không thì không thể nói ai được.

Ông cũng khuyến cáo các DN về vấn đề đưa hàng lên cảng Cát Lái bị ùn ứ thời gian qua. Theo đó, các DN lúc này không nên đưa hàng lên cảng mới đóng container mà nên làm trước ở các địa phương để giảm tải nguồn nhân lực, diện tích.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, các tỉnh muốn có thêm nguồn vốn tín dụng để DN thu mua tạm trữ lúa thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại mở thêm hạn mức tín dụng.

Cạnh đó sẽ có cơ chế mạnh mẽ hơn trong cơ cấu lại khoản nợ, giảm lãi của DN, trong đó có ngành nông nghiệp.

"Tuy nhiên mở rộng nguồn vốn tín dụng chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt, vấn đề căn cơ lâu dài là giải quyết tồn kho của DN, đảm bảo lợi ích hài hòa cho DN, người dân" - đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh./.

Theo PLO

Chia sẻ bài viết