Thầy, cô như “người cha, người mẹ thứ hai” mang đến tri thức, bài học làm người để làm hành trang bước vào cuộc sống. Những năm tháng đứng trên bục giảng, ngoài những kiến thức trao truyền cho học sinh, thầy, cô còn là tấm gương sáng để các em noi theo, hình thành những nhân cách tốt.
Trong đó, cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” và cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo” được phát động từ năm 2007 đến nay vẫn tiếp tục thực hiện trong toàn ngành đã khơi dậy ý thức trách nhiệm, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo, từng bước nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, ý thức tự học nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, có nhiều sáng tạo trong công tác giảng dạy. Qua đó, xây dựng môi trường sư phạm mẫu mực, hạn chế và đẩy lùi tiêu cực trong ngành, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Cùng với các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành, nhiều câu chuyện cảm động về các tấm gương nhà giáo ưu tú càng khắc sâu hình ảnh cao đẹp của người thầy, tạo được niềm tin của xã hội với nghề giáo nói riêng, ngành Giáo dục và Đào tạo nói chung. Đó là những thầy, cô vẫn miệt mài bám trường, bám lớp gieo mầm tri thức nơi biên cương, hải đảo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn hay những rẻo cao nơi miền núi xa xôi, cách trở. Hay hình ảnh thầy Đặng Văn Cương không ngại vất vả mang lại những chuỗi ngày hạnh phúc cho cậu học trò tí hon K’Rể đến tận phút cuối của cuộc đời. Đó còn là những nhà giáo dành trọn tâm huyết, có nhiều đóng góp quý báu cho sự nghiệp “trồng người” từ cổ chí kim như nhà giáo Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Tất Thành, Nhà giáo nhân dân Đặng Thai Mai, thầy Lê Thước, Hoàng Xuân Hoãn,...
Trong đó, tấm gương nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký “là đại diện cho sự phấn đấu phi thường và kỳ diệu, là tấm gương sáng cho các bạn trẻ hôm nay, nhất là những người khuyết tật noi theo” như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói. Những “cây đại thụ” ấy là niềm tự hào của ngành Giáo dục nước ta, nhắc nhở các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành luôn nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học; là bài học đạo đức, giá trị cuộc sống về ý chí vượt khó vươn lên, tự học, tự rèn cho mỗi giáo viên để học trò noi theo.
Xã hội ngày càng phát triển, những mặt trái của cơ chế thị trường phần nào ảnh hưởng đến giới trẻ, len lỏi vào học đường. Thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường, tai, tệ nạn xảy ra ở lứa tuổi cắp sách đến trường như gióng lên hồi chuông buồn về sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận học sinh. Để xây dựng lối sống đẹp cho các em, sự giáo dục từ nhà trường, gia đình, xã hội rất quan trọng. Trong đó, tấm gương của thầy, cô sẽ là hình mẫu, chuẩn mực để học sinh noi theo. Mỗi thầy, cô ngoài những nỗ lực để nâng cao trình độ, trao truyền cho học sinh kiến thức bổ ích còn phải rèn luyện đạo đức nhà giáo từ việc học tập và làm theo gương Bác mỗi ngày, trong công việc chuyên môn. Bằng lòng yêu nghề, mến lớp, thương trò, “những người cha, người mẹ thứ hai” sẽ giúp học sinh phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm để là con ngoan, trò giỏi, mai này trở thành công dân có ích cho xã hội. Thành công của mỗi trò là một niềm hạnh phúc của thầy cô, là lời tri ân chân thành, thiết thực nhất dành tặng người thầy bên cạnh những hoạt động, phong trào nhân ngày 20/11./.
Hà Vân