Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 107/2015/QH11, ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định thừa phát lại (TPL), ngày 03/11/2017, Bộ Tư pháp ban hành Văn bản số 5093/BTP-BTTP về một số nội dung về tổ chức và hoạt động TPL. Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chặt chẽ quy trình thẩm tra, xác minh tính hợp pháp và thống nhất các thông tin trong hồ sơ để làm căn cứ đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm TPL, trong đó chú trọng một số nội dung:
Về việc đề nghị bổ nhiệm TPL: Kiểm tra đầy đủ thành phần, thông tin có trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm TPL theo quy định; thẩm tra kỹ tiêu chuẩn, điều kiện của người đề nghị bổ nhiệm TPL để bảo đảm chỉ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, bổ nhiệm đối với người có đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm TPL theo quy định;
Sở Tư pháp cần phải có biện pháp kiểm soát các giấy tờ do các cơ quan, tổ chức xác nhận về thời gian công tác pháp luật trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm TPL nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp xác nhận thời gian công tác pháp luật tùy tiện, không đúng dưới mọi hình thức hay với các mục đích khác nhau; hồ sơ chứng minh thời gian công tác pháp luật phải có một trong các giấy tờ sau: Quyết định tuyển dụng, hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Về việc đề nghị miễn nhiệm TPL: Việc miễn nhiệm TPL liên quan đến quyền lợi của TPL, văn phòng TPL cũng như công tác quản lý của các cơ quan thẩm quyền. Do vậy, Sở Tư pháp cần làm đầy đủ, chặt chẽ các quy trình trước khi đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định.
Sở Tư pháp cần thường xuyên rà soát việc hành nghề của các TPL trong phạm vi địa phương, kịp thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, miễn nhiệm theo quy định.
Ngoài ra, Sở Tư pháp tham mưu UBND cấp tỉnh thực hiện việc xét duyệt hồ sơ, cho phép thành lập văn phòng TPL bảo đảm công khai, khách quan, minh bạch,.../.
Phan Đức Bộ