Ảnh minh họa. (Nguồn: medicalnewstoday.com)
Các chuyên gia gây mê Mỹ và Canada mới đây đã công bố nghiên cứu của họ về nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng khi phẫu thuật hoặc thực hiện những quy trình khác cần gây mê với những người sử dụng thuốc giảm cân.
Theo đó, nguy cơ này đến từ cả những loại thuốc giảm cân thịnh hành như Wegovy hay Ozempic. Nhóm chuyên gia này nhận thấy ngày càng nhiều bệnh nhân dùng thuốc giảm cân rơi vào tình trạng thức ăn hoặc chất lỏng xâm lấn phổi khi được gây mê vì dạ dày của họ vẫn còn nhiều thức ăn, kể cả những người đã thực hiện theo đúng hướng dẫn quy chuẩn là dừng ăn từ 6-8 giờ trước khi thực hiện gây mê.
Theo Tiến sỹ Ion Hobai, chuyên gia gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston, những loại thuốc này chậm tiêu hóa đến mức mà có thể đẩy bệnh nhân vào nguy cơ gặp biến chứng viêm phổi hít trong gây mê, có thể gây tổn thương phổi nghiêm trọng hay tình trạng nhiễm khuẩn và thậm chí là tử vong. Kể cả bệnh nhân tạm ngưng dùng thuốc 1 tuần trước phẫu thuật như các hướng dẫn quy chuẩn hiện nay cũng chưa đủ an toàn, ông cảnh báo.
Tiến sỹ Hobai cho rằng đây là nguy cơ biến chứng nghiêm trọng mà bất kỳ bệnh nhân nào dùng các loại thuốc trên cũng nên biết.
Hãng tin AP (Mỹ) dẫn thống kê của công ty công nghệ chăm sóc sức khỏe Komodo Health cho thấy chỉ riêng trong giai đoạn từ tháng 1-5/2023, các loại thuốc như Wegovy và Ozempic đã được kê trong gần 6 triệu đơn thuốc tại Mỹ, trong đó người sử dụng không bị bệnh tiểu đường vốn cần kiểm soát cân nặng.
Những loại thuốc này giúp giảm cân nhờ cơ chế bắt chước hoạt động của các hormone trong dạ dày, được kích hoạt sau khi bệnh nhân ăn uống. Thuốc cũng can thiệp những tín hiệu giữa dạ dày và não bộ có chức năng kiểm soát khẩu vị và cảm giác no, làm chậm tốc độ tiêu hóa trong dạ dày.
Hồi tháng 6, Hiệp hội Gây mê Mỹ đã ban hành hướng dẫn trong đó khuyến nghị các bệnh nhân ngưng dùng liều thuốc giảm cân hằng ngày trong ngày thực hiện phẫu thuật và ngưng mũi tiêm giảm cân hằng tuần khoảng 1 tuần trước khi tiến hành các quy trình gây mê.
Theo Tiến sỹ Michael Champeau, Chủ tịch Hiệp hội, khuyến nghị được đưa ra dựa trên những báo cáo về vấn đề liên quan- trong đó có chứng viêm phổi hít- được ghi nhận ở nhiều nơi trên cả nước Mỹ.
Hiện chưa rõ tỷ lệ bệnh nhân có thể gặp biến chứng khi sử dụng những loại thuốc này nhưng vì hậu quả có thể nghiêm trọng nên Tiến sĩ Hobai và các đồng nghiệp đã quyết định lên tiếng cảnh báo. Trong bài viết đăng trên tạp chí "Canadian Journal of Anesthesia", nhóm chuyên gia này kêu gọi hướng dẫn ngưng dùng thuốc sớm hơn trước khi gây mê, có thể là 3 tuần.
Theo Tiến sỹ Philip Jones, chuyên gia gây mê tại Mayo Clinic, khoảng thời gian khuyến nghị 3 tuần này được đưa ra dựa trên kết quả phân tích về thời gian thuốc hoạt động trong cơ thể, ví dụ cần 3 tuần để cơ thể tiêu thụ hết 90% thuốc Wegovy, để mọi hoạt động trong cơ thể trở lại bình thường mà không có sự tác động của thuốc.
Thông thường, tỷ lệ xảy ra biến chứng viêm phổi hít khi gây mê là 1/2.000-3.000 ca và khoảng 50% bệnh nhân bị biến chứng này khi phẫu thuật sẽ phát triển thành một dạng tổn thương phổi liên quan. Tuy nhiên, các báo cáo thực tiễn cho thấy nhiều bệnh nhân đang dùng thuốc chữa tiểu đường có vấn đề khi gây mê kể cả khi họ không ăn trước phẫu thuật tới 20 giờ.
Hiệp hội Gây mê Mỹ khuyến nghị các bác sỹ nếu nghi ngờ đang điều trị cho bệnh nhân vẫn chưa ngưng dùng thuốc thì coi như đó là một trường hợp dạ dày còn nhiều thức ăn và từ đó lựa chọn những cách thức gây mê phù hợp hoặc hoãn gây mê nếu có thể.
Tiến sỹ Hobai khuyến nghị những người sử dụng thuốc như Wegovy nên nói rõ cho bác sĩ điều trị biết trước khi thực hiện quá trình gây mê và thảo luận kỹ về nguy cơ biến chứng và những lợi ích liên quan./.
Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)