Già Chín cùng gia đình hái cà na trong mùa lũ năm nay
1. “Vậy là năm nay nước không lớn” - Già Chín (ông Nguyễn Văn Trẻ, biệt danh trái ngược cái tên cúng cơm bởi gương mặt nhiều nếp nhăn so với tuổi 45) nói vậy, sau khi nhìn những cái rễ trăng trắng mới nhú lên dưới gốc bụi cà na sau hè. Dân vùng lũ như ông được tổ tiên dạy rằng, khi rễ cây cà na, cây điên điển mọc ra đến đâu là nước lũ sẽ cao đến đó.
Đang giữa mùa lũ, bụi cà na già đã ra hết đợt trái tơ, những trái già hái không kịp chín vàng, rụng đầy gốc, tỏa mùi thơm dịu. Ông Chín khoe: “Từ đầu mùa tới giờ, tao bán trái kiếm cả triệu!”. Khi cây quanh nhà thưa trái, ông bàn với vợ chạy xuồng quanh khu Đá Biên thuộc xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa tìm cà na mọc ven bờ sông.
Khoảng chục năm trước, mỗi năm đến mùa lũ ở Đồng Tháp Mười, cà na mọc ven sông ra đầy trái, ai muốn hái cứ tự nhiên, không cần xin phép chủ nhà. Vài năm nay, dân vùng quê chặt bỏ cà na để trồng các loại cây ăn trái khác cho thu nhập tốt hơn, cà na mùa lũ vì thế trở nên hiếm. Già Chín chia sẻ, sau khi thỏa thuận, mỗi bụi cà na tùy trái nhiều hay ít, ông phải trả cho chủ nhà 200-300 ngàn đồng để hái trái bán trong suốt mùa lũ.
Già Chín hái cà na
2. Chiếc tắc ráng chở vợ chồng ông Chín cùng hai đứa con lướt đi êm ru trên sông, cách nhà độ hơn 2km thì tấp vào một con kênh nhỏ. Ông Chín tắt máy để bà dùng sào chống qua mấy đám lục bình mọc kính lòng sông. Phía trước là hàng cà na 3-4 cây mọc sát nhau đang xum xuê trái. Nắng buổi chiều vẫn còn gay gắt, Già Chín bảo hai đứa con vô nhà người quen chơi, trong khi ông nai nịt gọn gàng, lấy thế đu người vào thân cây cao 4-5m, thoáng chốc đã thấy ông đứng tuốt trên ngọn.
Lựa một nhánh to để treo giỏ xách, ông với tay kéo những nhánh nhiều trái rồi lần lượt lặt bỏ vào giỏ. Lâu lâu, ông dừng lại để bắt mấy con kiến vàng bò quanh cổ cắn đau điếng, nước tiểu của chúng cũng làm dân hái cà na “chuyên nghiệp” như ông cay mắt. Độ 20 phút sau, xem chừng giỏ cà na đã nặng, ông kêu vợ đang đứng chờ phía dưới né sang một bên, rồi đổ giỏ, những trái cà na rơi như mưa, va vào mặt nước tạo nên những tiếng “tủm tủm” vui tai. Phía dưới, bà dùng một cái vợt lưới có cán tre dài nhanh nhẹn vớt trái, rủ nước xong đổ vào cái bao tải trên xuồng. Bà Chín tiếp tục ngồi nhặt mấy cọng rong, bèo lẫn trong trái. Ngồi trên xuồng, lâu lâu bà Chín lại đưa tay xuống nước vớt mấy trái cà na chín rụng nổi đầy gốc cho vào miệng cắn cho đỡ buồn. Vị chua thanh, ngọt, bùi cùng mùi thơm dịu của trái cà na chín vàng gợi nhớ những năm tháng tuổi thơ cơ cực của trẻ con vùng lũ.
Khoảng một tiếng sau, bao cà na trên xuồng đã nặng gần 10kg, ông Chín tụt xuống gốc, gọi mấy đứa con lên xuồng trở về nhà. Cà na sau khi hái về được rửa lại cho sạch, để ráo nước, đến sáng hôm sau, ông bà chở ra bán ven quốc lộ.
Bà Chín cho hay, mấy năm nay cà na có giá, đầu mùa bán 30.000-40.000 đồng/kg, nay giảm còn 20.000-25.000 đồng/kg. Năm ngoái, suốt mấy tháng nước, nhờ hái cà na, ông bà kiếm 14-15 triệu đồng, một khoảng không nhỏ đối với dân nghèo vùng lũ. Năm nay, do nhiều người hái bán cạnh tranh nên thu nhập của ông bà giảm còn khoảng phân nửa. Có hôm Già Chín nằm võng từ tinh mơ đến xế chiều, hút hết hai gói thuốc lá nhìn dòng xe qua lại mà vẫn không bán được ký trái nào.
Ngày nào bán ít, chở cà na về nhà, bà Chín dùng dao khứa quanh trái rồi ngâm nước đường muối hoặc ngào đường để hôm sau bán kèm với cà na tươi. Loại cà na đã qua chế biến có lợi thế là để được nhiều tháng vẫn không hư.
3. Gặp chúng tôi mấy hôm trước, Già Chín nói ông mới nhờ người quen đặt làm tấm biển nhựa có chữ lớn cắm dọc quốc lộ, “quảng cáo” cà na để người đi đường dễ thấy, ghé mua ủng hộ. Ông cũng thông tin vừa nhờ người bầu, chiết hơn chục nhánh cà na con từ bụi cà na già, chờ nước rút trồng quanh bờ ruộng. Hỏi ông không sợ sang năm bán ế tiếp hay sao, ông cười, bảo chắc chỉ có ông là ngược đời, người ta đốn bỏ còn ông trồng thêm.
“Nghe nói có chỗ họ trồng cà na Thái, cho trái quanh năm nhưng hương vị không đậm đà như cà na quê mình, lỡ bán không hết thì làm mứt, ngâm muối cho hàng xóm ăn, lo gì!” - ông nói.
Ký của Thụy Du - Song Nhi