Tiếng Việt | English

19/07/2022 - 19:15

Nâng cao chất lượng dân số

Để cải thiện, nâng cao chất lượng dân số (DS), chất lượng giống nòi, hướng tới một tương lai hạn chế đến mức thấp nhất người khuyết tật do các bệnh bẩm sinh gây ra, nhiều năm nay, các ngành chức năng xây dựng và hướng dẫn các địa phương triển khai nhiều hoạt động, mô hình để tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân và chẩn đoán sàng lọc trước sinh, sơ sinh để phát hiện sớm dị tật, bệnh bẩm sinh.

Thai phụ được siêu âm sàng lọc trước sinh Ảnh: Ng.Thạch

Thai phụ được siêu âm sàng lọc trước sinh Ảnh: Ng.Thạch

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Trưởng phòng DS - Truyền thông - Giáo dục sức khỏe TP.Tân An - Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết, xác định chất lượng DS là mục tiêu quan trọng của công tác DS, bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, thành phố còn triển khai nhiều mô hình, đề án như mô hình Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS)/ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ),...

Theo đó, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ TP.Tân An triển khai đề án Hoạt động nâng cao chất lượng DS thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh. Năm 2020, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ TP.Tân An phối hợp viết 12 tin, bài tuyên truyền cho cộng đồng dân cư biết và tham gia thực hiện sàng lọc trước sinh cho thai phụ; tuyên truyền các gia đình đồng thuận lấy máu gót chân trẻ sàng lọc sơ sinh và lấy máu gót chân lần 2 nếu có nghi ngờ.

Trong công tác thực hiện chỉ tiêu sàng lọc trước sinh và sơ sinh, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ TP.Tân An phối hợp Phòng khám SKSS - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện khám siêu âm chẩn đoán dị tật trước sinh cho 1.286/1.297 lượt thai phụ, đạt 99,15% kế hoạch. Bệnh viện Đa khoa Long An và Bệnh viện Sản Nhi Long An thực hiện lấy máu gót chân cho 1.285/1.297 trẻ sinh ra sàng lọc sơ sinh, đạt 99,07%.

Song song đó, Ban Chỉ đạo Công tác DS - Phát triển TP.Tân An cũng triển khai mô hình CSSKSS vị thành niên/thanh niên, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Mô hình đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động nhằm góp phần nâng cao nhận thức về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân cho nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn.

Năm 2021, đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên thực hiện vãng gia 1.434 lượt đối tượng, tổ chức nói chuyện chuyên đề 22 cuộc/270 người dự, họp tổ, nhóm 51 cuộc /597 người dự. Cũng trong năm qua, 14 xã, phường đã giới thiệu 237 cặp nam, nữ đến Trung tâm Y tế TP.Tân An tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, qua kiểm tra đã phát hiện 6 ca viêm gan B cần được theo dõi và tư vấn điều trị.

Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh - Huỳnh Kim Tuấn cho biết, đối với các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội, tỉnh triển khai một số chính sách chăm lo. Giai đoạn 2021-2025, ngân sách nhà nước chi trả các dịch vụ CSSKSS tại cơ sở y tế trong tỉnh khi thai phụ thực hiện các kỹ thuật tầm soát trước sinh ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi. Trẻ sinh ra được thực hiện kỹ thuật tầm soát sơ sinh ít nhất 5 loại bệnh bẩm sinh phổ biến nhất để phát hiện sớm một số bệnh lý bẩm sinh.

Nuôi con khỏe, dạy con ngoan

Để các thai phụ hiểu rõ tầm quan trọng của thực hiện sàng lọc và vì một thế hệ trẻ khỏe mạnh, ngành DS nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh thông qua thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Trong đó, đội ngũ cộng tác viên DS, gia đình và trẻ em là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động và cung cấp kiến thức cho từng thai phụ.

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc (cộng tác viên DS, gia đình và trẻ em khu phố Bình Cư 2, phường 4, TP.Tân An) cho biết: “Vào ngày 15 hàng tháng, trong các buổi họp chi hội Phụ nữ, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền CSSKSS cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng như thực hiện KHHGĐ. Đồng thời, chúng tôi vận động giới trẻ thay đổi nhận thức, chủ động tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, biết sử dụng các biện pháp tránh thai, khi mang thai đến cơ sở y tế để khám sàng lọc trước và sau sinh”.

Thông qua những hoạt động, mô hình, chất lượng DS được nâng lên. Chị Trần Thị Lệ Hằng (SN 1976, ngụ khu phố Bình Cư 2, phường 4, TP.Tân An) cho biết, suốt nhiều năm qua, mỗi khi trạm y tế phường có đợt tuyên truyền về CSSKSS, chị đều tham gia. Tại những buổi tuyên truyền, chị còn được hướng dẫn cách nuôi con để trẻ phát triển tốt. Qua đây, chị được cập nhật thêm nhiều kiến thức chăm sóc, nuôi dạy con. 2 người con gái của chị Hằng khỏe mạnh, phát triển ổn định, chăm ngoan, học giỏi.

Trước khi kết hôn, chị Trần Thị Ngọc Hà (SN 1990, ngụ phường Tân Khánh, TP.Tân An) được cộng tác viên DS tư vấn và vận động khám sức khỏe tiền hôn nhân. Chị Hà chia sẻ: “Khi tôi mang thai đôi, nhiều rủi ro ảnh hưởng đến mẹ và con. Nhờ được các nhân viên y tế cho làm các xét nghiệm tầm soát bệnh cho con nên tôi yên tâm hơn. Khi sinh các bé đều khỏe mạnh, hiện bé gần 1 tuổi. Được các chị em phụ nữ phường thông tin, tôi cũng tuân thủ, cho các bé đi uống vitamin ở trạm y tế phường, học cách cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để bé phát triển tốt”.

Có thể thấy, thông qua nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, chất lượng DS, chất lượng nòi giống từng bước được cải thiện, góp phần giải bài toán chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững./.

Trần Thoa

Chia sẻ bài viết