Thông tin tuyên truyền, vận động phụ nữ quan tâm kiểm tra sức khỏe định kỳ
Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững
Thực hiện công tác DS-KHHGĐ, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành triển khai sâu, rộng đến các cấp hội trên địa bàn về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) với chủ đề “CSSKSS vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi”. Theo đó, các cấp hội tổ chức tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt tổ, câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ, CLB Không có người sinh con thứ 3 trở lên và vãng gia đến từng hộ gia đình,... Các cơ sở hội duy trì nâng cao chất lượng hoạt động của 629 tổ CSSK phụ nữ, 434 nhóm nhỏ thực hiện KHHGĐ, 46 CLB và 216 tổ không có người sinh con thứ 3 trở lên. Ngoài ra, CLB Gia đình hạnh phúc, CLB Gia đình phát triển bền vững cũng được duy trì thực hiện hiệu quả.
Đi đôi với đó, tiêu chí gia đình không vi phạm chính sách DS được triển khai gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được người dân đồng tình hưởng ứng. Đầu năm 2018, có 23.744 hộ gia đình đăng ký thực hiện gia đình không vi phạm chính sách DS; cuối năm bình xét, có 23.723 gia đình đạt. Thông qua các hoạt động này, hội viên phụ nữ cũng như người dân nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các biện pháp CSSKSS, tránh thai an toàn; sàng lọc trước sinh, sơ sinh; khám sức khỏe tiền hôn nhân; tiêm ngừa, khám thai định kỳ;…
Chị Nguyễn Thị Bích Trâm (ấp Đồng Tre, xã An Lục Long) bày tỏ: “Nhờ sự tuyên truyền, vận động của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thông qua các cuộc hội, họp, tôi có thêm kiến thức CSSKSS và lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp. Dù có 2 con một bề là gái nhưng vợ chồng tôi quyết định dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”.
Năm 2018, Phòng DS-KHHGĐ huyện còn phối hợp các xã tổ chức 8 cuộc hội thảo kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Huyện tổ chức chương trình đối thoại chia sẻ kỹ năng về cách giáo dục, nuôi dạy con tốt, thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia.
Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Bích Tuyền cho biết: “Bên cạnh những kết quả đã đạt, hiện công tác truyền thông gặp không ít khó khăn. Nhiều phụ nữ đi làm ăn xa, làm thanh long ở các kho,... chưa tranh thủ thời gian tham gia các cuộc họp do hội tổ chức. Một số gia đình có điều kiện kinh tế nên muốn sinh thêm con để vui cửa, vui nhà nhưng không có biện pháp chế tài”.
Hành trang vững bước vào đời
Bên cạnh sự vào cuộc của các hội, đoàn thể, ngành giáo dục cũng có nhiều biện pháp phối hợp cùng ngành DS thực hiện hiệu quả công tác DS. Tại Trường THPT Tân An, ngoài công tác dạy và học, nhà trường phối hợp ngành DS trang bị cho các em kiến thức về CSSKSS ở lứa tuổi vị thành niên/thanh niên. Đây là hành trang giúp các em có thêm kiến thức vững bước vào đời.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tân An - Hồ Tấn Nhi thông tin: “Nhà trường thành lập Phòng Tư vấn học đường gồm 3 giáo viên luân phiên nhau trực. Các giáo viên sẵn sàng hỗ trợ học sinh khi gặp khó khăn trong đời sống tâm lý với phương châm “Luôn lắng nghe, tôn trọng và bảo mật”. Qua đó, giúp các em giải tỏa những thắc mắc trong cuộc sống hoặc những vấn đề tâm sinh lý, giới tính, SKSS tuổi vị thành niên”.
Giáo viên Trường THPT Tân An quan tâm tư vấn những thắc mắc trong cuộc sống hoặc vấn đề tâm sinh lý, giới tính, sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên cho học sinh
Ngoài ra, các thầy, cô giáo còn thực hiện nội dung giáo dục DS/SKSS/KHHGĐ thông qua các bài giảng như các chương, bài địa lý DS trong bộ môn Địa lý. Qua môn học này, học sinh được cung cấp các kiến thức về số lượng DS; tỷ suất tăng DS hiện tại và khả năng tăng DS sắp tới; mật độ DS, phân bổ dân cư. Đây là các nội dung về phát triển kinh tế, diễn biến của thiên nhiên, môi trường đang ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Hay ở môn Sinh học và Giáo dục công dân, các thầy, cô giáo cung cấp cho các em những kiến thức cơ bản về cơ thể người, các vấn đề sinh sản và giáo dục cho các em về ý thức đạo đức,...
Lê Châu Phi - học sinh lớp 12B5, Trường THPT Tân An, chia sẻ: “Ngoài trang bị kiến thức thông qua các môn học, em còn được nhà trường tuyên truyền các kiến thức CSSKSS tuổi vị thành niên thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp và hoạt động ngoại khóa. Qua đó, giúp em trang bị thêm kỹ năng sống, tình dục an toàn, phòng tránh các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc tương lai”.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành DS với các ban, ngành, đoàn thể thời gian qua đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các chương trình, mục tiêu DS. Nhằm tiếp tục đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS và phát triển trong tình hình mới, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị./.
Ngọc Mận