Tiếng Việt | English

04/10/2022 - 09:04

Nâng cao chất lượng nông sản góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm

An toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe người dân và thương hiệu nông sản. Nhận thức được điều này, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho sức khỏe.

Xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, toàn tỉnh có 2.043 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 877 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Đến nay, Chi cục đã xây dựng 25 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên các sản phẩm rau, gạo, thịt gà, thịt heo, thủy sản. Cùng với đó, Chi cục phối hợp Ban Quản lý ATTP TP.HCM xây dựng và trao 10 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn cho TP.HCM trên sản phẩm thịt gà, trứng gà, thịt bò, nước mắm, rau, chuối.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Nhiều nông sản của tỉnh đã và đang được tiêu thụ tại các thị trường trong và ngoài tỉnh. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh luôn chú trọng thực hiện việc truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tình hình sản xuất, ATTP.

Thời gian qua, Chi cục cấp hơn 2 triệu mã QR truy xuất nguồn gốc thực phẩm an toàn cho các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm được hỗ trợ là sản phẩm được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (rau, gạo, thanh long, chanh,...). Thông qua tem QR truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể tra cứu đầy đủ các thông tin về sản phẩm mình mua như giống, tên hộ trồng, ngày thu hoạch, hướng dẫn bảo quản, ảnh sản phẩm,...”.

Rau thủy canh là một trong những sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa

Là một trong các chủ thể đầu tiên được cấp giấy xác nhận tham gia chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh, HTX Rau an toàn Phước Hòa (ấp 3, xã Phước Vân, huyện Cần Đước) đã tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau sạch, an toàn. HTX hiện có 62 thành viên với diện tích canh tác rau hơn 20ha. “Thế mạnh của HTX là sản xuất các rau ăn lá, củ, quả, rau gia vị, rau thủy canh,... đạt tiêu chuẩn VietGAP và được chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn. Mỗi ngày, HTX cung ứng cho thị trường và các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh khoảng 2 tấn rau” - Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng thông tin.

Anh Phan Thanh Tùng - thành viên HTX Rau an toàn Phước Hòa, chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng rau theo phương thức truyền thống, nhỏ, lẻ, ít loại, giá cả không ổn định. Từ khi tham gia HTX, tôi được hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để tiết kiệm nhân công, chi phí, thời gian,... Nhờ đó, chất lượng của rau được khẳng định trên thị trường. Từ hộ khó khăn, giờ gia đình tôi có thu nhập ổn định từ cây rau”.

Được biết, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh đang xây dựng thêm 3 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn đối với sản phẩm rau của HTX Công nghệ cao Phước Tiến (huyện Cần Giuộc), sản phẩm thanh long sấy của Công ty (Cty) Thực phẩm HG (huyện Thủ Thừa) và các sản phẩm từ chanh của Cty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt Long An (huyện Bến Lức).

Nhân viên Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt Long An sơ chế chanh trước khi tiến hành chế biến sâu

Giám đốc Cty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt Long An - Nguyễn Văn Hiển cho biết, hiện nay, Cty có khoảng 100ha chanh không hạt được trồng theo hướng hữu cơ. Đây là nguồn nguyên liệu chính để Cty chế biến ra các sản phẩm như bột chanh, bột trà chanh, tinh dầu chanh, vỏ chanh sấy,... Việc xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn đối với các sản phẩm từ chanh sẽ giúp nâng cao uy tín các sản phẩm của Cty. Và đây cũng là điều kiện cần để các sản phẩm của Cty tiếp cận, chinh phục thêm nhiều thị trường mới.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, chú trọng lấy mẫu kiểm tra nhanh và lấy mẫu định lượng các nhóm sản phẩm thiết yếu, kiểm tra khâu sản xuất, chế biến. Đối với các cơ sở có mẫu không đạt, ngành tiến hành xác định nguyên nhân, yêu cầu cơ sở khắc phục theo quy định; đồng thời, cho cơ sở cam kết sản xuất an toàn và chuyển xử lý vi phạm hành chính.

9 tháng năm 2022, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thu 1.034 mẫu nông, lâm, thủy sản tại các chợ dân sinh, siêu thị trên địa bàn tỉnh để giám sát chỉ tiêu ATTP (124 mẫu kiểm nghiệm, 910 mẫu kiểm tra nhanh). Kết quả, hầu hết các mẫu đều đạt chỉ tiêu về ATTP. Bên cạnh đó, ngành tiến hành kiểm tra 114 cơ sở, thu 27 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản; kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP đều đạt. Riêng 4 trường hợp vi phạm, trong đó 1 trường hợp vi phạm vì cống rãnh thoát nước thải bị ứ đọng, không được chèn kín; 2 trường hợp vi phạm vì buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm mà có ít nhất một trong các chỉ tiêu ATTP không phù hợp với mức quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật tương ứng; 1 trường hợp vi phạm vì người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định.

Người dân mua nông sản tại một cửa hàng tiện ích ở huyện Bến Lức

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, dự kiến đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ xây dựng và duy trì được ít nhất 37 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; có ít nhất 50% sản phẩm nông sản chủ lực; có 100% người sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người quản lý tham gia mô hình chuỗi có kiến thực về ATTP theo chuỗi; có 100% cơ sở sản xuất ban đầu được chứng nhận GAP hoặc ký cam kết sản xuất an toàn; cơ sở chế biến/giết mổ được chứng nhận đủ điều kiện ATTP hoặc tương đương; các sản phẩm của chuỗi được thu mẫu, giám sát ATTP; truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử; quảng bá, tiêu thụ qua hệ thống kết nối cung - cầu nông sản an toàn của tỉnh và các sàn thương mại điện tử khác.

Với các giải pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả, nhận thức về ATTP của các HTX, chủ cơ sở, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ngày càng được nâng cao. Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức (huyện Bến Lức) - Trần Duy Thuận chia sẻ: “Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng và tầm quan trọng của việc bảo đảm vệ sinh ATTP, HTX luôn thực hiện nghiêm ngặt, ghi chép sổ theo dõi từ quy trình sản xuất đến thu hoạch. Hàng năm, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh đều đến lấy mẫu kiểm tra, giám sát, qua đánh giá, sản phẩm của HTX đều bảo đảm”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản; thẩm định đánh giá, xếp loại các cơ sở chế biến, kinh doanh định kỳ, hậu kiểm các cơ sở tự công bố sản phẩm, xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Qua đó, góp phần tạo bước chuyển tích cực trong công tác bảo đảm ATTP trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh”./.

Thời gian qua, Chi cục cấp hơn 2 triệu mã QR truy xuất nguồn gốc thực phẩm an toàn cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm được hỗ trợ là sản phẩm được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (rau, gạo, thanh long, chanh,...). Thông qua tem QR truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể tra cứu đầy đủ các thông tin về sản phẩm mình mua như giống, tên hộ trồng, ngày thu hoạch, hướng dẫn bảo quản, ảnh sản phẩm,...”.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết