Tiếng Việt | English

06/11/2023 - 16:53

Nâng cao năng lực dự báo thị trường trong sản xuất nông nghiệp

Để xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường và hạn chế rủi ro trong tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An chú trọng nâng cao năng lực dự báo thị trường làm cơ sở định hướng cho nông dân phát triển sản xuất. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng ùn ứ nông sản và điệp khúc “được mùa, rớt giá” mỗi khi vào mùa thu hoạch.

Nhờ vào định hướng lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa của ngành Nông nghiệp mà Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Tân (huyện Tân Hưng) sản xuất hiệu quả

Trên cơ sở khảo sát, phân tích, đánh giá, dự báo về những yếu tố tác động, chi phối đến việc lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu, các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra những dự báo sát với nhu cầu của thị trường về các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản,... Qua đó, Sở khuyến cáo các huyện, thị xã, thành phố lên kế hoạch hướng dẫn nông dân sản xuất phù hợp.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Tân (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) - Ngân Văn Phi cho biết: Trên cơ sở định hướng thời vụ và cơ cấu sản xuất của ngành Nông nghiệp, những năm gần đây, HTX đưa vào sản xuất một số loại giống lúa chất lượng cao như ST25, Đài thơm 8,...

Đây là những giống lúa có chất lượng gạo tốt, giá bán cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Đồng thời, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Hưng cũng cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn thành viên HTX về cách chăm sóc, phòng, trừ sâu, bệnh cho các giống lúa này nên năng suất, chất lượng được bảo đảm.

Không chỉ dự báo thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, công tác dự báo của ngành Nông nghiệp còn mang lại hiệu quả tích cực khi dự báo sát với diễn biến của thị trường nguồn cung cho sản xuất. Điển hình như dự báo của ngành Nông nghiệp về tình hình thị trường nguồn cung các loại vật tư sản xuất nông nghiệp như phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm,...

Bà Nguyễn Thị Vân (xã Phước Đông, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Trước dự báo về nguồn cung vật tư và thị trường tiêu thụ heo của ngành chăn nuôi, gia đình tôi đã cơ cấu lại sản xuất, thu hẹp quy mô đàn để hạn chế thua lỗ bởi giá vật tư sản xuất tăng cao trong khi giá thịt heo hơi giảm, nếu giữ quy mô đàn lớn người chăn nuôi sẽ lỗ nhiều. Trước khi đầu tư sản xuất, gia đình tôi luôn tìm hiểu, tham vấn dự báo, định hướng của ngành Nông nghiệp và địa phương để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất”.

Người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi những dự báo về thị trường của ngành chức năng để sản xuất hiệu quả

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh còn phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn như năng lực dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp nông nghiệp trong tỉnh và cung cấp thông tin về cơ sở, đơn vị có khả năng cung ứng lượng nông sản lớn bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đồng thời, ngành Nông nghiệp tỉnh hướng dẫn nông dân trồng rải vụ và tổ chức sản xuất theo yêu cầu của thị trường nhằm giảm hiện tượng vừa thừa, vừa thiếu. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được bảo đảm, không xảy ra tình trạng thừa - thiếu nông sản nghiêm trọng.

Nhằm nâng cao chất lượng dự báo thị trường, thời gian tới, các sở, ngành chức năng trong tỉnh tăng cường phối hợp các doanh nghiệp, địa phương tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, cung cấp thông tin thị trường đối với các mặt hàng nói chung, đặc biệt là nông sản nói riêng; nâng cao chất lượng các bản tin theo hướng bám sát tình hình thị trường, tăng cường tính dự báo, phân tích và định hướng sản xuất, tiêu dùng.

Song song đó, các sở, ngành chức năng tăng cường tư vấn, hướng dẫn người sản xuất kỹ năng phân tích, đánh giá thị trường, cung cấp các địa chỉ nguồn cung thông tin có chất lượng để người sản xuất, nhất là nông dân, tìm hiểu, tham khảo trước khi quyết định đầu tư; hỗ trợ nông dân đa dạng hóa thị trường, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một thị trường dẫn đến bị ách tắc đầu ra.

Mặt khác, nông dân phải sớm thay đổi phương thức sản xuất. Thay vì nuôi, trồng tự phát theo phong trào, chạy theo sản lượng, nông dân phải sản xuất theo quy hoạch, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ để ổn định đầu ra./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết