Tiếng Việt | English

29/09/2016 - 05:51

Nga, Trung Quốc thách thức ưu thế không quân của phương Tây?

Các nhà phân tích quân sự phương Tây “gióng chuông” về việc Nga, Trung Quốc đang tích cực phát triển không quân, đe dọa ưu thế trên không của họ.

Một số nhà quân sự cứng rắn của phương Tây bày tỏ lo ngại trước các năng lực quân sự đang gia tăng của Nga và Trung Quốc. Họ cho rằng hai nước này đe dọa ưu thế trên không của phương Tây.

Máy bay Su-35 của Nga. Ảnh: Flickr.

Các nhà phân tích quân sự của phương Tây báo động về việc Nga và Trung Quốc đang đẩy mạnh năng lực không quân và đưa vào sử dụng nhiều hệ thống phòng không tinh vi.

Robert Wall, biên tập viên cao cấp về hàng không vũ trụ của Nhật báo Phố Wall nhận xét trong một bài viết mới đây: “Trong hơn 2 thập kỷ, các máy bay chiến đấu của Mỹ và đồng minh tương đối làm chủ bầu trời. Giờ đây Nga và Trung Quốc đang vung tiền cho các vũ khí mới có thể thách thức ưu thế đó, tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang mới”.

Ông Wall trích dẫn lời của Tham mưu trưởng Không quân Mỹ tướng David Goldfein trả lời các nhà lập pháp Mỹ hồi tháng 6 về các thách thức chính mà ông này đối mặt: “Thách thức thúc ép nhất mà Không quân Mỹ đối mặt là sự gia tăng các đối thủ có năng lực quân sự tiên tiến cạnh tranh với chúng tôi. Những tiến bộ đó của họ đang thách thức khả năng làm chủ bầu trời của chúng ta.”

Khi được hỏi về kế hoạch ứng phó với các mối thách thức này, tướng Goldfein nhấn mạnh rằng điều này sẽ thúc đẩy một số chương trình hiện đại hóa, bao gồm các loại vũ khí như máy bay F-35 và B-21 giúp Mỹ bảo đảm khả năng cạnh tranh về chất lượng với đối thủ.

“Tuy nhiên dường như khoảng cách về công nghệ giữa Mỹ và các nước như Nga và Trung Quốc đang thu hẹp dần đều”.

Ông Wall chỉ ra rằng nước Nga có kế hoạch vào năm 2018 bắt đầu đưa phi cơ tàng hình đầu tiên của họ - chiếc T-50- vào hoạt động.

“Máy bay 2 động cơ này được thiết kế để có tính cơ động cao và được gắn các thiết bị điện tử tinh vi giúp phát hiện máy bay địch ở cự ly xa hàng dặm”, ông Wall nhấn mạnh.

Trong khi đó các oanh tạc cơ Su-34 và tiêm kích cơ Su-35 của Nga đã nhận được sự khen ngợi đáng kể từ các nhà phân tích quân sự sau khi Moscow mở chiến dịch không kích ở Syria.

Về phần mình Trung Quốc đang nỗ lực lấp đầy lỗ hổng khoảng cách với không quân phương Tây.

Báo cáo của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự Trung Quốc 2016 có nêu rằng các hoạt động giao lưu của quân đội Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa thông qua việc hỗ trợ mua sắm các loại vũ khí và công nghệ quân sự hiện đại, gia tăng kinh nghiệm hoạt động bên trong và bên ngoài châu Á và tiếp cận các hoạt động quân sự nước ngoài, các học thuyết chiến dịch và phương pháp huấn luyện.

“Không quân Trung Quốc có J-20 “giống với F-22 của Mỹ”, như nhận xét của Wall. Ngoài ra, Bắc Kinh còn đang phát triển máy bay tiêm kích thế hệ 5, FC-31. Nhà báo này cho rằng chiếc FC-31 giống chiếc F-35 Mỹ. Theo phân tích năm 2015 của tờ National Interest, máy bay này có thể được đưa vào hoạt động vào năm 2022.

Nhưng đấy mới chỉ là một nửa số vấn đề của Lầu Năm Góc.

Wall nhấn mạnh: “Cả Trung Quốc và Nga đang tung ra các hệ thống phòng không hiện đại hơn. Moscow cho biết hệ thống phòng không S-400 mới của họ có thể bắn rơi các máy bay ở cự ly tới 380km”.

Để đối phó với các năng lực quân sự đã được cải thiện của Moscow và Bắc Kinh, quân đội Mỹ đang xúc tiến kế hoạch thêm tên lửa tầm xa cho các máy bay chiến đấu của Mỹ. Các tên lửa này cho phép máy bay Mỹ đánh trúng mục tiêu trong khi vẫn không bị hệ thống phòng không của địch đe dọa.

Nhà báo Mỹ nhấn mạnh rằng Lầu Năm Góc cùng với các bộ quốc phòng các nước châu Âu đang đầu tư thiết kế một máy bay mới đảm bảo NATO làm chủ bầu trời.

Đáng lưu ý, hồi tháng 7/2015 tờ National Interest đã lập danh sách 5 “máy bay chiến đấu nguy hiểm nhất” của Nga, trong đó có Sukhoi Su-27, MiG-29, Sukhoi Su-35, Sukhoi T-50/PAK FA, và Tupolev Tu-160./.

Trung Hiếu/VOV.VN (Theo Sputnik)

Chia sẻ bài viết