Còn nhiều khó khăn
Năm qua, mặc dù ngành Nông nghiệp tỉnh có bước chuyển mình mạnh mẽ và tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng đối với sự phát triển chung của tỉnh nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần các cấp, các ngành cùng nhau phối hợp tháo gỡ, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Sản xuất và xuất khẩu thanh long còn gặp nhiều khó khăn
Năm 2020 và những ngày đầu năm 2021, tình hình tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân. Nhiều loại nông sản liên tục rớt giá như thanh long, chanh, bưởi,...
Anh Nguyễn Phước Lợi, trồng hơn 3ha thanh long ở xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, lo lắng: “Từ đầu năm 2020 đến nay, thanh long thường bán ra với giá rất thấp, có thời điểm, giá thanh long ruột đỏ chỉ từ 5.000-7.000 đồng/kg, thấp hơn cả chục ngàn đồng/kg so với giá thành sản xuất. Giá thấp, thương lái thu mua chậm khiến nông dân thua lỗ nặng. Hy vọng thời gian tới, thị trường tiêu thụ mặt hàng này sẽ được cải thiện”.
Cùng nỗi lo, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Food (huyện Châu Thành) - Nguyễn Hoàng Huy chia sẻ, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, tiêu thụ của doanh nghiệp (DN). Dự báo trong năm mới, thị trường tiêu thụ sẽ có khởi sắc hơn nhưng cũng không thể bằng so với mọi năm.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh - Nguyễn Quốc Trịnh, thời gian qua, mọi hoạt động sản xuất, tiêu thụ, nhất là xuất khẩu thanh long đều bị trì trệ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động xuất khẩu nông sản đi các nước vẫn chưa trở lại bình thường. Vì vậy, cần có sự thay đổi trong sản xuất. Nhiều DN trước đây chỉ tập trung cho thị trường xuất khẩu thì nay phải quan tâm đến mở rộng các kênh tiêu thụ trong nước. Ngược lại, các DN chỉ sản xuất hàng cho thị trường nội địa phải quan tâm đến mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cùng với đó, nắng nóng gây khô hạn và nước mặn xâm nhập sâu vào thượng nguồn sông Vàm Cỏ sớm gần 1 tháng so với trung bình nhiều năm và sớm hơn nửa tháng so với mùa khô 2015-2016, gây thiệt hại cho hơn 2.700ha lúa Đông Xuân, rau màu ở các huyện phía Nam và hơn 11.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Ngoài ra, dich bệnh trên gia súc, gia cầm cũng gây ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi nói riêng và ngành Nông nghiệp nói chung. Cụ thể, bệnh cúm gia cầm có 7 ổ dịch, tổng tiêu hủy 19.309 con; dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 13 hộ thuộc 13 xã, 9 huyện: Cần Đước, Tân Thạnh, Đức Hòa, Tân Trụ, Bến Lức, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và Tân Hưng với tổng số con tiêu hủy là 167 con; dịch bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò đã xảy ra tại 9 hộ, thuộc 4 xã, 3 huyện: Đức Huệ, Tân Trụ, Cần Đước, số con bệnh là 44/58 con và số tiêu hủy là 6 con.
Nỗ lực thích nghi
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha chia sẻ, để thích nghi trong thời điểm hiện tại, nông dân, hợp tác xã và DN là những nhân tố quan trọng trong việc khôi phục và phát triển sản xuất. Do đó, các cơ quan chức năng cần đưa ra quy hoạch, định hướng canh tác cho từng vùng để hạn chế rủi ro cung - cầu; các đơn vị cung cấp các chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất cần có các giải pháp kỹ thuật để tối ưu hóa việc giám sát thực hành sản xuất theo các tiêu chuẩn đăng ký. Quan trọng nhất là nông dân, hợp tác xã, DN phải tăng cường kết nối với nhau để tạo nên chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.
Tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho gia súc, gia cầm để hạn chế dịch bệnh
Có thể thấy, mục đích vẫn là sản xuất ra nông sản chất lượng cao để thuyết phục được chính người tiêu dùng trong nước, sau đó là đáp ứng tốt những thị trường xuất khẩu khó tính.
Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, thời gian tới, ngành Nông nhiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh tái đàn gia súc, gia cầm, đồng thời chỉ đạo quyết liệt công tác phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, bảo đảm an toàn cho sản xuất và ổn định cuộc sống người dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm giá thành và nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN đầu tư trên địa bàn tỉnh nói chung và DN hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
“Song song đó, ngành tập trung thực hiện Chương trình đột phá Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh; tập trung các nguồn lực xây dựng và hỗ trợ các hợp tác xã điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu nâng cao chất lượng, mở rộng thêm các đối tượng, địa bàn tiềm năng khác như cây lúa 60.200ha; thanh long 6.000ha; cây chanh 3.000ha; duy trì 2.000ha rau ứng dụng công nghệ cao; 100ha tôm ứng dụng công nghệ cao và phát triển đàn bò thịt. Ngoài ra, ngành cũng từng bước tổ chức lại sản xuất, tập trung vào sản xuất theo chuỗi giá trị; bám sát quy định của Hiệp định thương mại tự do để phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực, hướng đến xuất khẩu sang các thị trường chất lượng, giảm bớt sự lệ thuộc vào các thị trường truyền thống, giá trị thấp” - ông Truyền cho biết thêm./.
Bùi Tùng