Tiếng Việt | English

26/03/2024 - 07:30

Nghề trồng lác 

Trên các vùng đất Cần Đước, Tân Trụ, tỉnh Long An vẫn còn xanh mướt những cách đồng lác, nhiều người dân vẫn gắn bó với nghề trồng lác, góp phần giữ nghề truyền thống, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Long An không chỉ nổi tiếng với nhiều đặc sản mà còn được biết đến là quê hương khởi phát nghề dệt chiếu.

Dù rằng hiện nay nghề dệt chiếu không còn trong giai đoạn hoàng kim bởi quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng trên các vùng đất Cần Đước, Tân Trụ vẫn còn xanh mướt những cách đồng lác – nguyên liệu chính của nghề dệt chiếu.

Nhiều người dân vẫn gắn bó với nghề trồng lác, góp phần giữ nghề truyền thống, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, một trong những địa phương có nghề trồng lác lâu đời không khó để bắt gặp những cánh đồng lác xanh rì – nơi cung cấp nguyên liệu chính cho các làng nghề dệt chiếu

Theo những người gắn bó với nghề trồng lác, so với sản xuất lúa truyền thống, nghề trồng lác tốn rất nhiều công, cực gấp nhiều lần từ lúc trồng đến khi thu hoạch

Cây lác khi trồng được khoảng 4 tháng sẽ cho thu hoạch

Khi thu hoạch lác, người dân sẽ dùng cái phảng để phát lác và dùng cù nèo để gom lác thành bó

"Để chọn phân loại lác, người dân sẽ tiến hành giũ lác, bỏ những cây lác khô, héo để chọn những cây lác cao nhất phân ra làm lác loại 1, lác loại 2. Với lác loại 1, khi phơi khô được thương lái thu mua với giá 15.000 đồng/kg", ông Năm Tùng – người gắn bó với nghề trồng lác gần 50 năm, cho biết

Gần 50 năm gắn bó với nghề trồng lác, đôi tay ông Năm Tùng đầy chai sần

Theo những người trồng lác, vào mùa mưa, cây lác phát triển mạnh nhất, cây có thể cao trên 2m. Cũng vì vậy, trong vụ thu hoạch này, cây lác cho năng suất cao hơn, thu nhập của người trồng lác cũng vì thế khá hơn

Tuy nhiên, vào mùa nắng, việc thu hoạch lác lại thuận lợi hơn. Khi thu hoạch xong, người dân chỉ cần phơi 1,5 ngày là có thể gom lại để xuất bán cho thương lái

 Lác sau khi thu hoạch được người dân bó lại thành bó to ngay tại ruộng

 Sau đó, từng bó lác sẽ được vác lên bờ để tiếp tục thực hiện các công đoạn khác

 Từng cọng lác sau khi phân loại được người dân chẻ nhỏ trước khi mang lác đi phơi

 Để lác nhanh khô, màu đẹp, người dân phải dàn mỏng lác thành từng lớp bảo đảm các cây lác được phơi khô đều

 Lác khi phơi khô được người dân làm sạch, công đoạn này, người trồng lác thường gọi là “búng lác”

 Từng bó lác khô nhỏ được bó lại thành bó lớn để chờ thương lái đến thu mua

 Thường từ 1 tuần đến 10 ngày, thương lái sẽ đến thu mua lác 1 lần. Đa số lác tại huyện Tân Trụ sẽ được các thương lái thu mua để cung cấp cho các làng nghề dệt chiếu truyền thống tại huyện Cần Đước

 Theo ông Sáu Dẹo, mặc dù nghề trồng lác vất vả, cực nhọc nhưng đổi lại, nghề trồng lác cũng cho thu nhập ổn định. “Cây lác cũng giúp gia đình tôi ổn định kinh tế, có điều kiện lo cho các con ăn học”, ông Sáu Dẹo cho biết.

Kiên Định – Võ Thành Nguyễn

Chia sẻ bài viết