Tiếng Việt | English

02/11/2024 - 10:37

Ngồi ở nhà khám phá di tích lịch sử

Không chỉ mang tính xu hướng thời đại, công nghệ số hóa là bước đột phá trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, với chi phí đầu tư hợp lý, mang tính trực quan, độ tin cậy cao. Các di tích lịch sử ở dạng số hóa có thể được quảng bá rất nhanh chóng, không bị giới hạn về thời gian, địa điểm,… Đây là những tiện ích mà TP.Tân An, tỉnh Long An đem lại khi ứng dụng số hóa di tịch lịch sử-văn hóa trên địa bàn.

Trải nghiệm số hóa di tích trên địa bàn TP.Tân An

Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại bằng cách quét mã QR, mọi người có thể ngồi tại nhà để tìm hiểu tổng thể, đầy đủ giá trị văn hóa, ý nghĩa lịch sử của các di tích trên địa bàn TP. Tân An trong quá trình tham quan.

Hiện nay, trên địa bàn TP.Tân An có 9 di tích lịch sử - văn hóa và 1 cây di sản “Cây trôm mõ” được các cấp có thẩm quyền xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh. Thực hiện số hóa các di tích lên môi trường số là bước tiến mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố.

Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố phối hợp Mobifone Long An khảo sát hiện trạng các di tích, tiến hành thu thập thông tin, chụp hình tư liệu với nhiều khía cạnh khác nhau. Sau quá trình thu thập thông tin và phân loại, Mobifone Long An xử lý các dữ liệu, sử dụng các công nghệ để quét 3D, chụp ảnh 3600 và ghi âm về những di tích. Sau đó, dữ liệu này được xử lý để tạo ra các bản sao kỹ thuật số chính xác, sử dụng công nghệ phù hợp như công nghệ 3D, AI,... ở từng điểm di tích bằng Google map. Dữ liệu số hóa được lưu trữ trong các hệ thống cơ sở dữ liệu an toàn và dễ truy cập. Điều này bảo đảm thông tin về di tích được bảo vệ và sẵn sàng phục vụ việc sử dụng và nghiên cứu.

Hiện 9/9 di tích và 1 cây Di sản “Cây trôm mõ” được thực hiện số hóa bằng Ứng dụng Bản đồ số hóa. Đến với không gian các di tích được số hóa, người xem có thể truy cập vào https://tanan.mobifone.one để tham quan các di tích như ngoài đời sống thật. Bởi việc ứng dụng công nghệ 3D vào quá trình số hóa cho phép ghi lại các di tích và các hiện vật với độ chi tiết và chính xác, bao gồm cả không gian, cấu trúc, hình dáng và các chi tiết nhỏ. Song song đó, việc số hóa cũng giúp thành phố cũng như Ban Quản lý các di tích theo dõi và thống kê số lượng một cách dễ dàng, hỗ trợ tốt trong công tác lưu trữ, bảo tồn di tích.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Nguyễn Minh Sang, việc số hóa các di tích lịch sử bằng Ứng dụng Bản đồ số hóa di tích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, du khách tiếp cận các di tích lịch sử trên địa TP.Tân An qua ứng dụng các công nghệ mới. Số hóa di tích là quá trình sử dụng công nghệ để tạo ra các bản sao kỹ thuật số của các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, di tích thắng cảnh,... Từ đó các thông tin về hình ảnh, tài liệu và hiện vật được lưu trữ trên không gian số giúp giữ gìn những giá trị di tích trước các tác nhân bên ngoài.

Bên cạnh đó, số hóa cho phép người dùng tham gia vào môi trường ảo sống động, mang đến trải nghiệm tương tác chân thực hơn so với việc xem hình ảnh hay đọc thông tin trên sách báo. Người dùng có thể trải nghiệm không gian gắn liền với những dấu ấn lịch sử, tạo nên sự kết nối mạnh mẽ giữa con người với hiện vật một cách chân thật và sống động. Đặc biệt, với những di tích lịch sử-văn hóa, kiến trúc được số hóa, du khách hoàn toàn có thể tiếp cận thông tin về địa điểm một cách nhanh chóng, tham quan du lịch với trải nghiệm mới.

Ngoài ra, số hóa các di tích còn mở ra cơ hội tiếp cận không chỉ cho người dân trong thành phố, trong tỉnh mà còn cả du khách quốc tế khi có thể truy cập và tìm hiểu về các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn TP.Tân An thông qua các nền tảng trực tuyến. Điều này không chỉ góp phần quảng bá du lịch, văn hóa Việt Nam mà còn giáo dục, nâng cao nhận thức của công chúng nói chung và giới trẻ tìm hiểu về các di tích lịch sử của Việt Nam.

Số hóa các di tích là một bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, công tác bảo vệ giá trị lịch sử và văn hóa được thực hiện hiệu quả, tạo ra cơ hội phát triển du lịch và giáo dục, mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng và xã hội./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết