Di tích lịch sử - "địa chỉ đỏ" trong giáo dục truyền thống yêu nước (Trong ảnh: đoàn viên, thanh niên về nguồn tại Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh)
Căn cứ Bình Thành - nơi giáo dục truyền thống
Về lại căn cứ Bình Thành (huyện Đức Huệ) những ngày đầu tháng 4, chúng tôi như được sống lại những tháng ngày lịch sử đấu tranh kiên cường, không ngại khó khăn, hy sinh, đánh đổi bằng cả xương máu, tính mạng của quân và dân Long An để cùng với cả nước giành độc lập, tự do.
Tháng 8/1957, Xứ ủy thành lập tỉnh Long An trên cơ sở hợp nhất tỉnh Tân An và tỉnh Chợ Lớn do đồng chí Huỳnh Châu Sổ làm Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Văn Chính làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Tỉnh ủy Long An chọn Bình Thành, huyện Đức Huệ xây dựng căn cứ cách mạng với các cơ quan: Văn phòng Tỉnh ủy, Tuyên huấn,...
Tháng 9/1963, tại căn cứ Bình Thành, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị đề ra phương hướng phá ấp chiến lược, dùng lực lượng vũ trang tiêu diệt đồn, bót và lực lượng càn quét của địch, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược. Và trận đánh đêm 22, rạng ngày 23/11/1963 vào Trại Huấn luyện biệt kích Hiệp Hòa mở đầu cho phong trào phá ấp chiến lược. Ngoài ra, cũng tại căn cứ Bình Thành, các phương hướng tác chiến được vạch ra nhằm hướng đến giải phóng cơ bản tỉnh Long An, góp phần vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, khu vực Bình Thành với bề dày truyền thống đã được Tỉnh ủy chọn làm căn cứ để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Khu vực Bình Thành trong thời chiến tranh là vùng đất bưng biền, địa hình hiểm trở cùng tấm lòng người dân quyết chở che bộ đội là yếu tố thuận lợi để nơi đây trở thành căn cứ cách mạng.
Trước đây, Nhân dân trong vùng sống ở ven sông và trên các giồng lớn, phần lớn đất đai còn lại trong khu vực đều hoang vu, mọc đầy tràm gió, đưng, năn, lau, sậy,... Ngày nay, công cuộc khai hoang đã biến nơi đây thành ruộng đồng tươi tốt.
Căn cứ Bình Thành năm xưa giờ trở thành Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An (xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ). Nơi đây ghi dấu bao sự kiện lịch sử trọng đại, bao chiến công oanh liệt và cả sự hy sinh của quân và dân Long An trong quá trình đấu tranh chống xâm lược.
Tám chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” của quân và dân Long An được tạo nên dưới sự lãnh đạo của Đảng từ "địa chỉ đỏ" này. Khu di tích cũng là nơi ghi dấu sự có mặt và hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ, các cơ quan cấp Xứ, cấp Khu, nhiều đơn vị vũ trang của Miền, nhiều nhà lãnh đạo Đảng và quân đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là bằng chứng cụ thể của quá trình đấu tranh gian khổ và hy sinh cao cả từ buổi đầu kháng Pháp đến chống Mỹ, cứu nước của đồng bào, chiến sĩ không riêng ở tỉnh Long An mà từ khắp mọi miền đất nước.
Theo Phó Bí thư Huyện Đoàn Đức Huệ - Phạm Văn Trọng, tiếp bước truyền thống cha ông, trước hết, thế hệ trẻ chúng tôi phải hiểu về lịch sử hào hùng, những năm tháng hoạt động của quân và dân Long An tại Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh. Những chuyến Về nguồn của đoàn viên, thanh niên tại đây trong thời gian qua giúp người trẻ hiểu sâu thêm về căn cứ, truyền thống đấu tranh anh dũng cũng như sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng lèo lái con thuyền cách mạng đến bến bờ vinh quang. Từ đó, thế hệ hôm nay càng nâng cao nhận thức, góp sức vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Đám lá tối trời - nơi gắn liền với lịch sử cách mạng
Khu di tích lịch sử Đám lá tối trời là địa danh chỉ những đám dừa nước rậm rạp, kín bưng, nơi che phủ căn cứ địa cách mạng của ta ở vùng đất Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ. Đây từng là căn cứ quan trọng trong hệ thống liên hoàn các căn cứ kháng chiến của tỉnh trong suốt 30 năm (1945-1975).
Từ cuối năm 1954, Tỉnh ủy Long An đã về lập cơ sở ở Đám lá tối trời, các huyện lân cận cũng lấy nơi đây làm hậu cứ. Các binh xưởng, trạm quân y, các lớp bồi dưỡng, huấn luyện về quân sự, chính trị cũng được tổ chức tại Đám lá tối trời để phục vụ công cuộc kháng chiến. Trong từng giai đoạn lịch sử, nơi đây là căn cứ của nhiều lực lượng từ cấp miền đến cấp huyện, xã.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Đám lá tối trời là cơ sở quân y lớn, chữa trị cho hơn 300 thương binh từ tiền tuyến chuyển về mà vẫn bảo đảm an toàn. Đám lá tối trời thực sự là cái gai trong mắt địch, vì thế chúng đã sử dụng các phương tiện chiến tranh hiện đại, mở những cuộc càn quét quy mô vào Đám lá tối trời hòng hủy diệt căn cứ của ta nhưng lần nào chúng cũng thất bại thảm hại.
Đoàn công tác của HĐND tỉnh, lãnh đạo huyện Tân Trụ khảo sát khu di tích Đám lá tối trời (xã Nhựt Ninh)
Đám lá tối trời vẫn hiên ngang như tường thành giữa hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Địa danh này vững chãi, tồn tại bất chấp mọi phương tiện, thiết bị hủy diệt của kẻ thù như tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân, dân Long An trong sự nghiệp cách mạng.
Nhân dân trong vùng căn cứ một lòng một dạ sắt son với Đảng, quyết tâm ủng hộ cách mạng đến cùng. Vì thế, Đám lá tối trời đã trở thành căn cứ của lòng dân nên dù địch có dùng âm mưu, thủ đoạn hòng hủy diệt nhưng căn cứ vẫn tồn tại như là một điểm son trong trang sử chống xâm lược của quân và dân tỉnh Long An.
Hiện nay, về lại Đám lá tối trời, khu vực này trở thành vùng nuôi tôm rộng lớn, trù phú, người dân nơi đây ra sức xây dựng quê hương cách mạng giàu, mạnh để xứng đáng với những chiến công hiển hách của cha ông.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Nhựt Ninh - Lê Văn Trường, từ cuối năm 2009, UBND tỉnh thông qua kế hoạch phục dựng di tích Đám lá tối trời trên diện tích 11ha với các công trình: Trạm quân y, khu giải phẫu, phòng điều dưỡng thương binh, phòng họp, kho vũ khí, đài quan sát,... Mong muốn của địa phương cũng như của người dân, tỉnh cần quan tâm nhiều hơn nữa, sớm đầu tư phục dựng di tích để góp phần giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Người dân tỉnh Long An nói chung và huyện Tân Trụ nói riêng luôn hy vọng Khu di tích Đám lá tối trời được phục dựng, trở thành điểm đến lý tưởng dành cho những ai muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa vùng đất ven dòng sông Vàm Cỏ.
Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, những khó khăn, gian khổ trong thời chiến chỉ còn trong ký ức, những trang lịch sử hào hùng và qua lời kể của những người trong cuộc,... Khép lại chiến tranh, đất nước hòa bình, độc lập và xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Để có được những thành tựu như ngày hôm nay, ông cha ta - những lớp người đi trước đã không ngại chiến đấu, hy sinh và dày công vun đắp, xây dựng.
Chúng ta - những người của lớp thế hệ sau có quyền tự hào về những chiến công hiển hách ngày trước nhưng không được “ngủ quên” mà cần phải tiếp tục ra sức để xây dựng đất nước, quê hương giàu, mạnh./.
Châu Sơn