Tiếng Việt | English

07/05/2018 - 20:12

Người lính già ở Khu di tích lịch sử cầu Kinh

Dù ngày hay đêm, ở Khu di tích(KDT) lịch sử cầu Kinh (xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) luôn có người lính già thắp những nén nhang tưởng nhớ anh linh các anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong trận cầu Kinh. Ðó là ông Nguyễn Văn Kiểm - người trông nom, giữ gìn KDT. Từng tham gia nhiều trận đánh Mỹ ở khu vực cầu Kinh nên khi làm việc tại KDT, ông thấy như được ở gần bên đồng đội năm xưa.

Ngày, đêm giữ gìn khu di tích

Để tưởng nhớ các liệt sĩ và ghi nhớ 45 ngày, đêm đánh Mỹ ở khu vực cầu Kinh, năm 2013, KDT lịch sử ở ấp 1, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 4 tỉ đồng. Ngày 29/4/2014, KDT khánh thành, diện tích 1.200m2.

Khi vừa khánh thành, ông Nguyễn Văn Kiểm (SN 1946) - cựu chiến binh của Tiểu đoàn 5 Nhà Bè, từng chiến đấu tại khu vực cầu Kinh, nhận lời đến đây trông nom, giữ gìn KDT cho đến nay. Nhà ở xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc nhưng ngày nào, ông cũng có mặt tại KDT để lau dọn, chăm sóc cây cảnh và thắp nhang cho đồng đội đã hy sinh. Ông Kiểm kể: “Có người hỏi tôi lớn tuổi, lại là thương binh nặng, không còn cánh tay phải, sao không nghỉ ngơi lại đến làm việc tại KDT? Nghe vậy, tôi trả lời rằng, làm ở KDT không phải vì thu nhập mà là niềm vui khi được tận tay thắp nhang cho đồng đội cũ. Là người lính từng chiến đấu ở đây, tôi thấy mình phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản KDT và giới thiệu đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về những trận đánh Mỹ ở khu vực cầu Kinh”. 

Ông Nguyễn Văn Kiểm thắp nhang cho các đồng đội  hy sinh tại khu di tích lịch sử cầu Kinh

Ông Nguyễn Văn Kiểm thắp nhang cho các đồng đội  hy sinh tại khu di tích lịch sử cầu Kinh

Anh Dương Phùng Quốc - chuyên viên Phòng Văn hóa Thông tin huyện Cần Giuộc, bày tỏ: “Ông Kiểm làm việc chủ yếu là vì cái tâm. Là nhân chứng lịch sử từng chiến đấu tại đây nên ông truyền đạt đầy đủ, chân thật đến khách tham quan về trận đánh Mỹ 45 ngày, đêm ở khu vực cầu Kinh”. Trong dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện 45 ngày, đêm đánh Mỹ ở khu vực cầu Kinh do tỉnh tổ chức vào ngày 20/7/2017, ông Kiểm chính là nhân chứng lịch sử được ban tổ chức mời giao lưu. Bằng giọng kể rõ ràng, hào hùng, ông giúp hàng trăm đại biểu hiểu hơn về chiến thắng cầu Kinh lịch sử. 

"Vết thương trên cơ thể thường đau nhức, nhất là lúc trái gió, trở trời nhưng tôi vẫn là người may mắn vì sống sót trở về, còn nhiều đồng đội tôi vẫn nằm lại đâu đó trên từng tấc đất quê hương". 

Ông Nguyễn Văn Kiểm  xúc động

Vài năm trở lại đây, ở khu vực cầu Kinh còn đón tiếp những thân nhân của lính Mỹ bị tử trận, cựu binh Mỹ từng tham chiến tại đây đến thăm. Được sự cho phép của chính quyền, ông dẫn những người Mỹ ra thăm những địa điểm cần đến. “Có một cựu binh Mỹ hỏi tôi có cần giúp đỡ gì không? Nghe vậy, tôi bày tỏ lòng cảm ơn và trả lời: Từ tiền chính sách, chế độ mà Đảng, Nhà nước chi trả cho thương binh, người có công với đất nước, tôi có cuộc sống tốt và được chăm lo đầy đủ thuốc thang khi vết thương tái phát” - ông Kiểm kể lại.

Những ký ức về cuộc chiến và đồng đội 

Trò chuyện với chúng tôi trong những ngày tháng 4 lịch sử, ông Kiểm chia sẻ: “Thời gian cứ trôi qua, nhưng ký ức cùng đồng đội bám trụ địa bàn khu vực cầu Kinh chiến đấu với địch, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trong năm 1967 vẫn “sống” mãi trong tâm trí. Đó là những điều tôi không thể nào quên!”.

Ông kể, từ ngày 05/6/1967, địch huy động lực lượng quân sự với quy mô lớn gồm Lữ đoàn 2 - Sư đoàn 9 Mỹ, Trung đoàn 46 - Sư đoàn 25 của chính quyền Sài Gòn cùng nhiều vũ khí và phương tiện cơ giới hiện đại đánh vào khu vực vùng hạ huyện Cần Giuộc nhằm xóa bỏ vùng giải phóng của ta. Trước tình thế khó khăn, nguy hiểm, quân và dân vùng hạ Cần Giuộc gồm Tiểu đoàn 5 Nhà Bè, Đại đội 316 Cần Giuộc và du kích liên xã kiên cường, dũng cảm bám trụ địa bàn chiến đấu.

Ông Nguyễn Văn Kiểm là người từng tham gia chiến đấu tại khu vực cầu Kinh năm 1967

Ông Nguyễn Văn Kiểm là người từng tham gia chiến đấu tại khu vực cầu Kinh năm 1967

Kết quả sau 45 ngày, đêm (từ 05/6/1967 - 20/7/1967), quân và dân ta giành chiến thắng, đánh lùi nhiều đợt tấn công của quân địch, làm chúng thiệt hại nặng nề. Tại Bia chiến thắng vẫn ghi rõ trong 45 ngày, đêm quân và dân vùng hạ Cần Giuộc lập nên chiến công hiển hách, diệt và làm bị thương hàng trăm lính Mỹ, bắn rơi 21 máy bay chiến đấu, bắn chìm và cháy 12 tàu chiến, giữ vững vùng giải phóng. “Riêng tại khu vực cầu Kinh, ngày 05/6/1967, lực lượng của ta tổ chức phục kích, chiến đấu chặn đứng và đẩy lùi cuộc hành quân càn quét của địch, diệt hơn 200 tên lính Mỹ, bắn rơi 4 máy bay trực thăng và bắn chìm 3 tàu chiến” - ông Kiểm cho biết.

Chiến thắng cầu Kinh góp phần làm phá sản chiến lược phản công mùa khô của địch, giúp ta giữ vững vùng giải phóng, giành được thế chủ động trên chiến trường địa phương; đồng thời cổ vũ, khích lệ mạnh mẽ phong trào toàn dân đấu tranh chống Mỹ - ngụy. Cuộc chiến nào cũng có hy sinh, mất mát, nhiều đồng đội của ông mãi mãi nằm xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Dẫn tôi ra một gò đất có những bụi cây sum suê cành lá bên con đường ấp tại khu vực cầu Kinh, ông cho biết, đó là địa điểm 3 đồng đội ông hy sinh. “Hồi chưa có KDT lịch sử cầu Kinh, tôi lập cái miếu nhỏ thờ cúng liệt sĩ hy sinh ở khu vực này” - ông Kiểm cho biết. 

Khác với giọng nói hào hùng khi kể về những trận đánh, giọng ông nghẹn lại khi nhắc đến những đồng đội hy sinh: Mười Đẹt, Tư Tòng, Năm Bổn,... “Hồi đó, tôi thường gọi tên đồng đội thân thương như thế, gọi riết rồi quen, cũng dễ nhớ” - ông Kiểm nhớ lại. 

Rồi ông kể tiếp cho tôi nghe về người đồng đội tên Tám Nghĩa đang sinh sống ở TP.HCM. Tám Nghĩa là đồng đội rất đặc biệt của ông. Trong một trận đánh ở khu vực cầu Kinh, ông và Tám Nghĩa cùng sát cánh bên nhau đánh lại tàu chiến địch. Thế rồi, chẳng may, Tám Nghĩa bị trúng đạn, gục xuống ngay nơi ông đứng. Sau khi địch ngừng tấn công, nghĩ Tám Nghĩa hy sinh nên ông đưa xác đến một hố mìn gần đó để chuẩn bị chôn cất. Lúc này, bất ngờ quân địch quay lại, nổ súng ồ ạt. Trong tình thế đó, ông phải rời hố mìn, tiếp tục chiến đấu và bị thương ở bàn tay trái. Sau đó, ông được đơn vị chuyển đến điều trị tại một cơ sở y tế. “Hai ngày sau, tôi vui mừng vì gặp lại Tám Nghĩa, anh cũng đang được điều trị vết thương tại đây. Nghe kể lại tôi mới biết, sau trận đánh đó, đồng đội đi tìm thì phát hiện Tám Nghĩa còn sống, nằm bên hố mìn nên đưa đi cứu chữa” - ông Kiểm nhớ lại.

Khi tôi hỏi về cánh tay phải bị cụt đến sát nách của mình, ông Kiểm bảo, đó là vết thương ông bị địch bắn trong một lần đang trên đường ra Bắc công tác vào năm 1970. Sau này, ông được công nhận là thương binh hạng 1/4. Ông nói: “Vết thương trên cơ thể thường đau nhức, nhất là lúc trái gió, trở trời nhưng tôi vẫn là người may mắn vì sống sót trở về, còn nhiều đồng đội tôi vẫn nằm lại đâu đó trên từng tấc đất quê hương” - ông Kiểm xúc động nói./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết