Tiếng Việt | English

18/05/2023 - 11:01

Người nuôi tôm 'treo ao', vì sao?

Trong khi nhiều người nuôi tôm tại ĐBSCL bị thua lỗ, phải "treo ao" do giá tôm nguyên liệu giảm và đứng ở mức thấp, sản phẩm tôm Việt Nam lại đang bị thất thế tại các thị trường xuất khẩu, nhất là Trung Quốc do giá bán quá cao, vì sao?

Sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam gặp khó trong cạnh tranh với tôm các nước do giá cao - Ảnh: KHẮC TÂM

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý 1-2023, lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc tăng 34% và kim ngạch tăng 16%, đạt 1,4 tỉ USD. 

Trong đó, Trung Quốc tăng nhập tôm từ Ecuador với sản lượng nhập tăng 43%, Argentina với 205%, Saudi Arabia với 231%… Ngược lại, tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm đến 40% so với cùng kỳ 2022.

Giá tôm giảm mạnh, càng nuôi càng lỗ

Nuôi tôm gần 20 năm nay, thường vào khoảng tháng 4 hằng năm, ông Nguyễn Phục (xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) đã thả giống. 

Tuy nhiên năm nay 10 ao tôm của ông Phục đã lấy đầy nước, được xử lý ngon lành nhưng vẫn chưa dám mua tôm giống về thả nuôi.

"Hơn hai tháng qua, giá tôm liên tục giảm sâu. Từ chỗ 150.000 đồng/kg loại 40 con/kg, nhưng nay thương lái mua vào chỉ còn 105.000 đồng/kg. 

Với giá tôm nguyên liệu như vậy, trong khi chi phí con giống, thức ăn… đều tăng, người nuôi dễ bị lỗ vốn, gặp nhiều rủi ro nên tôi chờ thêm thời gian rồi quyết định", ông Phục cho hay.

Tương tự, tại Cà Mau giá tôm nguyên liệu cũng giảm sâu. Tôm thẻ loại 100 con/kg được thương lái mua chỉ từ 70.000 - 80.000 đồng, giảm 30% so với tháng trước. Loại 30 - 40 con/kg giá cũng đồng loạt giảm 20%, có thời điểm chỉ còn 108.000 - 135.000 đồng/kg.

"Sau Tết Nguyên đán đến nay, tôi nuôi hơn 1ha tôm, cua kết hợp nhưng tôm cứ khoảng 30 ngày tuổi là chết nên không có thu nhập. 

Tôi đã mượn tiền thả lại giống hai đợt rồi nhưng vẫn trắng tay. Cứ cái đà này phải đến khi mưa xuống nhiều, tôi mới bắt đầu thả giống lại, giờ đành treo ao", ông Nguyễn Văn Đấu (xã Thới Bình, huyện Thới Bình) cho hay.

Thời tiết nắng nóng, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến tiến độ thả giống. Dù có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp nhưng anh Nguyễn Văn Trường (xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước) cũng quyết định "treo đầm" để tránh nguy cơ tôm bị dịch bệnh do nắng nóng cũng như khả năng thua lỗ do giá tôm xuống thấp trong khi giá thức ăn tăng cao.

"Giấy tờ đất nuôi tôm tôi đã cầm cố cho ngân hàng, giờ muốn mua thức ăn cho tôm phải mua thiếu từ đại lý. Tuy nhiên khi mua trả chậm, giá được tính cao hơn từ 10 - 15%, nên dù có đạt năng suất đi chăng nữa cũng không còn lời. Hiện tôi chỉ mới thả nuôi một ao tôm, còn sáu ao để chờ giá tôm cao hơn sẽ đầu tư sau", anh Trường chia sẻ.

Xuất khẩu gặp khó, kim ngạch sụt giảm

Ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta - cho biết tình hình xuất khẩu tôm vẫn chưa cải thiện. Kim ngạch xuất khẩu tôm trong bốn tháng đầu năm 2023 của các doanh nghiệp giảm khoảng 30% so với cùng kỳ 2022. 

Giá thị trường thế giới thấp, sức mua giảm nên giá tôm thương phẩm tại ĐBSCL giảm liên tục gần đây. "Việc này khiến người nuôi không an tâm nên diện tích thả nuôi cả vùng chậm so với năm rồi", ông Lực nói và dự báo giá tôm thương phẩm sẽ còn giảm trong thời gian tới nhưng không nhiều.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng - cho biết địa phương dự kiến thả nuôi khoảng 51.000ha tôm trong năm 2023 nhưng đến nay mới thả nuôi được 30% diện tích. 

Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng, cộng với giá tôm nguyên liệu gần đây có chiều hướng giảm nên người nuôi thận trọng trong việc thả giống. "Người nuôi đang ngóng giá tôm để quyết định thả giống, chứ không dám mạo hiểm vì sợ đầu tư không có lời", ông Nhã nói.

Theo ông Võ Văn Chiêu - giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, trong hai năm 2021 và 2022, kim ngạch tôm của Sóc Trăng đều cán mốc trên 1 tỉ USD. 

"Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn, sức mua giảm nên xuất khẩu tôm đang gặp nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu tôm của Sóc Trăng trong bốn tháng đầu năm được khoảng 450 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ 2022", ông Chiêu thông tin.

Ông Dương Vũ Nam, phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, cho biết chưa khi nào xuất khẩu thủy sản Cà Mau gặp khó như hiện nay. 

Kim ngạch xuất khẩu năm tháng đầu năm mới đạt 380 triệu USD, bằng 29% kế hoạch, giảm 23,5% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, xuất khẩu thủy sản 337 triệu USD, bằng 28% kế hoạch, giảm 13% so với cùng kỳ 2022.

"Tại Cà Mau năm nay dự kiến tổ chức festival tôm với nhiều chương trình xúc tiến dự kiến sẽ thu hút nhiều đối tác mới trong xuất khẩu. Tuy nhiên, với đà xuất khẩu từ đầu năm tới giờ, chỉ mong năm nay Cà Mau đạt được kế hoạch 1,3 tỉ USD đề ra", ông Nam nhận định.

Thu hoạch tôm thẻ tại trang trại nuôi công nghệ cao của Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta - Ảnh: KHẮC TÂM

Giá thành quá cao, khó cạnh tranh

Nhiều doanh nghiệp và người nuôi tôm thừa nhận với chi phí giá thành ngày càng cao, con tôm Việt Nam khó cạnh tranh với con tôm các nước. 

Theo ông Nguyễn Văn Cường (phường 4, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) - người đang thả nuôi 2ha tôm thẻ chân trắng, so với hai năm trước, giá thức ăn tôm tăng khoảng 5.000 đồng/kg. Chi phí thuê lao động, thuốc thú y thủy sản… cũng tăng từ 20 - 30%.

"Nếu là đất nhà đỡ lo, còn thuê đất để nuôi tôm, giá thành con tôm càng bị đội lên, chưa kể dịch bệnh do thời tiết nắng nóng cũng khiến chi phí tăng theo", ông Cường nói và cho biết đa số người nuôi tôm đều thiếu vốn, phải mua thức ăn trả chậm với mức lãi phải trả cho các đại lý không dưới 30%/năm nên chi phí nuôi tôm càng tăng cao.

Ông Võ Văn Phục, tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, cũng cho biết giá thành nuôi tôm ở Việt Nam quá cao là do giá thức ăn, con giống và các vật tư khác liên tục tăng, chi phí giao thông, vận chuyển cũng cao do hạ tầng yếu kém. "Tùy người nuôi nhưng chi phí đầu vào nuôi tôm đang dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/kg. Và với giá tôm hiện nay, người nào nuôi giỏi mới có lời, còn lại đều bị lỗ", ông Phục khẳng định.

Theo ông Hồ Quốc Lực, giá tôm nguyên liệu của một số nước, trong đó có Ecuador, thấp hơn giá tôm nguyên liệu Việt Nam do tỉ lệ nuôi thành công của các nước khá cao, thậm chí gấp đôi Việt Nam, trên 80%, nhờ có con giống chất lượng và nguồn nước bảo đảm. 

Chẳng hạn, Ecuador có con giống quốc gia tốt sau quá trình nghiên cứu gia hóa (cải tiến gene di truyền học), chưa kể nguồn thức ăn cho tôm rẻ hơn các quốc gia cung ứng bột cá (Peru), đậu và bắp (Brazil)...

Trong khi tại Việt Nam, con tôm giống chủ yếu được mua từ nguồn trôi nổi, chất lượng thấp và vùng nước nuôi ngày càng xấu. "Chưa hết, cứ mỗi khi bước vào vụ nuôi tôm, giá con giống và thức ăn tôm lại đua nhau tăng, bào mòn vào chi phí, gia tăng gánh nặng, áp lực cho người nuôi tôm. Đầu vào tăng khiến chi phí nuôi tôm của Việt Nam thuộc hàng cao nhất nhì thế giới, khó cạnh tranh với sản phẩm tôm các nước", ông Lực thừa nhận.

Vì sao Trung Quốc tăng nhập tôm các nước, giảm nhập tôm Việt Nam?

Thông tin từ VASEP cho biết trong quý 1-2023, lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc tăng 34% và kim ngạch tăng 16%, đạt 1,4 tỉ USD. Trong đó, Ecuador vẫn là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Trung Quốc, với sản lượng tăng 43% lên hơn 179.000 tấn. Ấn Độ (thứ 2) tăng 16%. Argentina (thứ 3) tăng trưởng 205%. Saudi Arabia và Thái Lan tăng lần lượt 231% và 1%.

Dù có vị trí thuận lợi hơn nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này giảm đến 40%. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký VASEP - cho biết Trung Quốc tăng nhập tôm Ecuador trong khi giảm nhập tôm Việt Nam do giá tôm Ecuador rẻ hơn nhiều so với giá tôm Việt Nam.

Chẳng hạn, trong tháng 3 và 4, tôm nhập từ Ecuador vào Trung Quốc có giá dao động 5,31 USD/kg. Trong khi đó, giá trung bình tôm chân trắng Việt Nam sang Trung Quốc trong quý 1 cao nhất lên tới 6,8 USD/kg.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang - đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn ở TP Hải Phòng, cách đây năm năm Ecuador là quốc gia xuất khẩu tôm đứng thứ 5 thế giới nhưng từ năm 2021, quốc gia này đã vươn lên vị trí số 1 và đạt sản lượng xuất khẩu tôm kỷ lục với 1 triệu tấn tôm vào năm 2022, nhờ có nhiều giải pháp để nâng chất lượng con giống, hạ giá thành sản xuất tôm.

Cụ thể, Ecuador đã chủ động thu thập, tuyển chọn các nguồn tôm bố mẹ trong tự nhiên được kiểm soát mầm bệnh rồi lai tạo, chọn lọc nguồn tôm bố mẹ số lượng lớn, đủ yêu cầu chất lượng để sản xuất con giống quốc gia. Ngoài ra, Ecuador tổ chức nuôi tôm theo quy mô trang trại với diện tích lên đến 50ha/trang trại nên có điều kiện đầu tư khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ.

"Dù chỉ có 220.000ha nuôi tôm nhưng Ecuador có đến 40.000ha đạt chứng nhận ASC - sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, nên sản phẩm tôm Ecuador có nhiều lợi thế khi xuất sang các nước", ông Quang nói và cho rằng ngành tôm Việt Nam cần giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề như chất lượng con giống, môi trường nuôi, giá thức ăn thủy sản... ./.

THẢO THƯƠNG/TTO

Chia sẻ bài viết