Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Trước tình hình nuôi tôm đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh cũng như biến động của thị trường, ngành nông nghiệp các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý tiên tiến, thân thiện với môi trường trong suốt quá trình nuôi tôm cho nông dân.
Giảm giá thành, nâng cao năng suất
Thời gian qua, người nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long đã dần chuyển đổi từ mô hình nuôi truyền thống sang mô hình nuôi ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh và đảm bảo an toàn thực phầm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định hiện nay, việc chuyển từ nuôi tôm theo phương thức truyền thống sang công nghiệp hóa, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và lấy doanh nghiệp làm trọng tâm đổi mới sáng tạo cho thấy hoạt động khoa học công nghệ đã từng bước khẳng định vai trò là đòn bẩy, là động lực thúc đẩy, là chìa khóa thành công trong lĩnh vực nông nghiệp thuỷ sản nói chung và nuôi tôm nói riêng.
Là một trong 6 tỉnh trọng điểm nuôi tôm của cả nước với diện tích thả nuôi lên đến 114.249ha và được mệnh danh là “thủ phủ tôm” của cả nước, từ năm 2016, Bạc Liêu là địa phương được biết nhiều nhất với các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh áp dụng quy trình công nghệ hiện đại.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly, tỉnh phấn đấu sớm đưa vào sử dụng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (với quy mô gần 419ha, tại xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu) với nòng cốt là các tổ chức khoa học-công nghệ và các doanh nghiệp tham gia đầu tư để phát triển công nghệ cao trong ngành công nghiệp tôm.
Đồng thời, tỉnh xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chính của tỉnh, khuyến khích phát triển hình thức nuôi công nghệ cao mô hình nông hộ.
Đến nay, Bạc Liêu có 25 công ty, đơn vị và hơn 810 hộ dân đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, với diện tích hơn 4.600ha và cho năng suất, sản lượng tôm nuôi giữa các mô hình (ao lót bạt và hồ tròn) đạt rất cao so với mô hình nuôi trong ao đất.
Bạc Liêu còn có 5 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 18 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế như: ASC, GAP, GlobalGAP…
Là doanh nghiệp thành công trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm, ông Long Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Long Mạnh (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) cho biết hiện nay, công ty áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ siêu thâm canh 2 giai đoạn hồ nổi và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước.
Với mô hình này, giai đoạn ương cho tỷ lệ sống đạt trên 75% và hoàn toàn không thay nước, không siphon chỉ bổ sung mật đường và vi sinh mỗi ngày để tạo floc, các hạt floc cũng là thức ăn bổ sung làm giảm lượng thúc ăn hơn 1/3 so với các quy trình khác. Sau 60 ngày nuôi là 70-80 con/kg và sau 100 ngày nuôi trung bình là 30 con/kg.
Chi phí đầu tư cho khoáng bổ sung giảm 70% so với mô hình thay nước, quan trọng hơn cả là sẽ nâng cao mức độ an toàn sinh học, giảm rủi ro lây nhiễm bệnh do không, hoặc ít phải thay nước trong các ao nuôi ra môi trường bên ngoài. Đây được đánh giá là một trong những mô hình nuôi tôm công nghệ cao ưu việt nhất hiện nay.
Là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển tôm nuôi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Quân cho biết diện tích nuôi tôm của tỉnh trên 280.000ha, sản lượng đạt khoảng 210.000 tấn/năm.
Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, nông dân tỉnh Cà Mau đã mạnh dạn nuôi tôm theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nhất là khi triển khai thực hiện các mô hình như: nuôi tôm thẻ chân trắng với quy trình Biofloc, Semi-Biofloc cho ao nuôi trải bạt; quy trình công nghệ nuôi tôm 2-3 giai đoạn; quy trình nuôi tôm tuần hoàn khép kín…
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, năng suất tôm nuôi thâm canh bình quân đạt khoảng 5 tấn/ha/năm (tôm sú) và khoảng 8 tấn/ha/năm (tôm thẻ chân trắng); tôm nuôi siêu thâm canh đạt 40-50 tấn/ha/vụ, mang lại hiệu quả cao cho nông dân.
Cũng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, Cà Mau hiện đã gia tăng tổng sản lượng tôm nuôi (tôm sú, tôm thẻ), đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Nhật Bản, Mỹ, Australia, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ...
Trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Tại Sóc Trăng, ông Tăng Văn Xúa (xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu) là một trong những hộ dân nuôi tôm công nghệ cao khá thành công, được nhiều người dân địa phương biết đến.
Ông Xúa đã có hàng chục năm nuôi tôm bằng ao đất nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, ông đã chuyển đổi việc nuôi tôm từ ao đất sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao bằng ao lót bạt.
Theo ông Xúa, gia đình ông có 4 ao nuôi tôm lót bạt (tổng diện tích hơn 4.000m2). Để có mùa vụ nuôi tôm thắng lợi, ông thường chọn nuôi tôm 2 vụ/năm, năng suất 8-9 tấn/ao/năm, trừ chi phí lợi nhuận thu về từ 400-500 triệu đồng/ao, tổng thu nhập từ 4 ao nuôi tôm là 2 tỷ đồng/năm.
Ông Xúa cho biết mặc dù mô hình nuôi tôm bằng ao lót bạt tốn chi phí đầu tư nhưng cái lợi đem đến cho hộ nuôi là tôm ít gặp các loại dịch bệnh và thả nuôi được mật độ dày (từ 150-200 con/m2) nên tôm nuôi cho sản lượng lớn, chất lượng đạt chuẩn, đầu ra ổn định, giá bán cao, lợi nhuận rất tốt.
Theo thạc sỹ Quách Thị Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, diện tích nuôi tôm theo mô hình lót bạt công nghệ cao trên địa bàn tỉnh hơn 5.681ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mỹ Xuyên, Trần Đề, Cù Lao Dung, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu.
Diện tích nuôi tôm công nghệ cao tăng dần theo từng năm, bởi hộ nuôi tôm nhận thấy đây là mô hình cho năng suất cao hơn gấp nhiều lần so với nuôi tôm trong ao đất.
Với hiệu quả này, hộ dân có thể chuyển đổi mô hình nuôi tôm ao đất sang nuôi tôm công nghệ cao để các vụ tôm nuôi trong năm đều đạt năng suất cao, chất lượng đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.
Bảo vệ môi trường
Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất tôm nhằm bảo vệ tốt môi trường nuôi là điều kiện quan trọng hướng đến phát triển bền vững.
Tại Kiên Giang, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lê Hữu Toàn, việc xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản đã có bước chuyển biến rõ nét. Toàn tỉnh có 95% diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, trong đó 2.000ha nuôi tôm công nghệ cao đạt 100% cơ sở có xử lý nước thải; 100% diện tích nuôi tôm-lúa (110.038 ha) sử dụng vi sinh trong suốt quá trình nuôi và nuôi với mật độ thưa nên khả năng gây ô nhiễm của nước thải không cao.
Trông khi đó, đa số người dân nuôi tôm tại Cà Mau thực hiện tốt việc xử lý nước thải. Nhiều hộ nuôi xử lý nước thải nuôi tôm siêu thâm canh dựa trên phương pháp ao sinh học kết hợp ao lắng và hầm biogas, sử dụng hệ thống bao gồm bồn lắng thay cho ao lắng để lắng chất lơ lửng; hầm biogas để xử lý bùn lắng từ nước xiphông.
Ngoài chuỗi ao sinh học gồm 2 ao sinh học và 1 ao khử trùng để xử lý nước thay và các loại nước thải khác như nước xiphông đã tách bùn, nước thải từ hầm biogas…, một số hộ nuôi khác còn thực hiện quy trình tuần hoàn khép kín.
Đối với Bạc Liêu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lưu Hoàng Ly cho biết mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao theo hướng thân thiện với môi trường được các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp áp dụng theo hình thức khép kín. Mặc dù chi phí đầu tư theo hệ thống nuôi kết hợp khu xử lý chất thải khá tốn kém nhưng người nuôi vẫn sẵn sàng chấp nhận vì lợi ích lâu dài của nghề nuôi tôm.
Người dân huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu thu hoạch tôm trên nền đất lúa. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)
Theo đánh giá của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao được bố trí theo hệ thống gồm: ao ương dưỡng, ao tôm thịt, ao lắng; khu xử lý chất thải được đầu tư hoàn chỉnh để xử lý chất thải triệt để.
Cụ thể, nước thải trong ao nuôi được dẫn về hố tách chất thải qua túi lọc lưới; phân tôm có kích thước nhỏ nên lọt qua túi lưới đi vào hệ thống biogas, vỏ tôm sau khi được tách hết nước mặn sẽ dùng nước ngọt rửa, pha loãng và sử dụng làm phân bón cho trồng cây, thức ăn cho gà vịt.
Không chỉ xử lý được chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà nước sau quá trình xử lý có thể tái sử dụng để tiếp tục nuôi tôm, giúp người nuôi chủ động hơn trong điều kiện nguồn nước nuôi khan hiếm.
Việc tận dụng chất thải từ ao nuôi làm phân bón, biogas đang là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp giải quyết vấn đề chất thải với khối lượng lớn từ hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh, giảm thiểu tối đa việc xả thải trực tiếp ra môi trường. Người nuôi tôm cũng tận dụng được nguồn khí từ biogas phục vụ sinh hoạt và 1 phần nhỏ trong sản xuất./.
Bài 1: Nguyên nhân khiến nghề nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó
Đón đọc bài 3: Xuất khẩu tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long: Giải pháp tạo đột phá
Nhật Bình (TTXVN/Vietnam+)