1. Tiếp chúng tôi tại một khoảng sân vườn nhỏ, ông vui vẻ nói: “Giờ chú dành nhiều thời gian chăm sóc cây cảnh, đọc sách nhưng vẫn viết báo. Nếu được chọn lại, chú vẫn chọn nghề báo!”. Với nhà báo Quang Hảo, dành cả một đời cho nghề báo dường như vẫn chưa đủ.
Giờ đây, khi về hưu, nhà báo Quang Hảo vẫn không từ bỏ được thói quen đọc sách, báo và viết mỗi ngày
Với ông, nghề báo có sức hấp dẫn kỳ lạ. Sự hấp dẫn đến từ những chuyến đi xa đầy vất vả nhưng thấm đượm tình người; những lần làm phóng sự điều tra gặp nguy hiểm, được người dân giúp đỡ.
Năm tháng làm báo tại Long An, hầu như không mùa nước nổi nào, nhà báo Quang Hảo không “dọc ngang” vùng Đồng Tháp Mười. Ông đến đó, cùng sống với người dân để cảm nhận cái khó khăn, vất vả của cuộc sống nơi “nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng”.
Trong những chuyến công tác đó, ông được chính quyền địa phương và người dân nhiệt tình giúp đỡ. Có những tình bạn được hình thành và bền lâu mãi đến bây giờ. Những chuyến đi ấy cũng đong đầy kỷ niệm buồn, vui: Lúc bế tắc trên chiếc đò máy hết xăng giữa đồng nước mênh mông, không một bóng người hay những lần làm “khách mời danh dự” của một đám cưới giữa mùa nước nổi mà quan khách đến dự tiệc trên xuồng.
Nhờ những trải nghiệm chân thực đó, nhà báo Quang Hảo có rất nhiều tác phẩm viết về Đồng Tháp Mười được bạn đọc đánh giá cao. Có thể kể đến: Lướt qua khuôn mặt đồng bưng, Có một nhà khoa học mang tên Ba Đất Phèn, Những đoản khúc thương hồ, Nhà sư cứu khổ,... Sau này, ông tập hợp một số bài bút ký về Đồng Tháp Mười xuất bản tập sách Khuôn mặt đồng bưng được nhiều người đón nhận.
2. Nhà báo Quang Hảo kể rằng, trong suốt cuộc đời làm báo, ông may mắn được nhiều bạn bè và người dân thương mến. Nếu không có sự giúp đỡ, che chở của người dân, có lẽ ông sẽ rất khó hoàn thành sứ mệnh của mình.
Ông không thể nào quên lần được bạn bè, người dân giúp đỡ khi bị các đối tượng buôn lậu truy đuổi ráo riết và tấn công bằng súng khi phát hiện nhà báo chụp hình chúng vận chuyển thuốc lá lậu.
Dẫu biết nguy hiểm nhưng nếu không “dấn thân” sẽ không thể có được bài phóng sự, đặc biệt là phóng sự điều tra. Thế nên mới có những ngày, nhà báo Quang Hảo “một mình một ngựa” len lỏi giữa các tuyến đường ở Thủ Thừa tìm hiểu về đối tượng chuyên gây thương tích cho người đi đường là nữ giới, hoặc cùng đồng nghiệp vào tận các “góc tối” của thị xã Tân An (lúc bấy giờ) để phản ánh những điều chưa đẹp cần chấn chỉnh. Hàng loạt phóng sự, phóng sự điều tra của nhà báo Quang Hảo được đánh giá cao và bạn bè đồng nghiệp về sau vẫn còn nhắc đến.
3. Giờ đây, khi về hưu, vui thú điền viên, cây cảnh nhưng nhà báo Quang Hảo vẫn không từ bỏ được thói quen đọc sách, báo và viết mỗi ngày. Ông vẫn dõi theo các đồng nghiệp trẻ sau này qua những bài viết trên mặt báo.
Không đủ sức khỏe và cơ hội đi nhiều như trước, ông viết bằng kinh nghiệm, vốn sống và những điều trông thấy từ thực tế gần gũi với đời sống.
Nhà báo Quang Hảo chia sẻ: “Chú nghĩ, báo chí không chỉ là những điều to lớn mà còn là những vấn đề thiết thực và gần gũi với người dân như hàng cây trồng trên hè phố, đống rác bên nắp cống vệ đường hay những đợt ngập sau mưa làm khổ người dân,...”. Dường như, “máu đi”, “máu viết” vẫn còn sục sôi trong trái tim nhà báo Quang Hảo.
Lỡ chọn và yêu nghề nên đến bây giờ, nhà báo Quang Hảo vẫn không thể nào thôi tha thiết với nghề. Nhà báo Lê Vân - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Tổng Biên tập Báo Long An, từng nhận xét về nhà báo Quang Hảo: “Các bài viết mang tính hiện thực và hơi thở cuộc sống thuở ban đầu của xã hội mới theo loại phản ánh - phóng sự, ký sự,... của Quang Hảo lần lượt xuất hiện trên mặt báo từ những năm 1977-1978 trở đi đã bắt đầu thu hút người đọc, để lại nhiều ấn tượng và xúc cảm, suy nghĩ với đông đảo bạn đọc. Không dừng lại ở vị thế người cầm bút có trách nhiệm, Quang Hảo luôn tích cực dấn thân vào các phong trào sôi động không chỉ trong tỉnh mà còn ở cả miền Nam như bảo vệ biên giới quốc gia, khai mở - lấp kín Đồng Tháp Mười, đổi mới phân phối lưu thông - giá lương tiền,...”. Đó là lời đánh giá hết sức trân quý của một vị lãnh đạo mà nhà báo Quang Hảo vô cùng kính mến và vị nể!
Phương Phương