Tiếng Việt | English

10/01/2024 - 10:35

Nhiều ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thời gian gần đây tiếp nhận nhiều ca tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ học theo hướng dẫn trên mạng để chơi.


Ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 10/1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin, thời gian gần đây tại Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật (Viện Chấn thương Chỉnh hình), tiếp nhận nhiều ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế, trong đó nhiều vụ học chế pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng.

Trường hợp nam sinh 12 tuổi (sinh năm 2011, Quảng Ninh) nhập Bệnh viện trong tình trạng dập nát bàn tay do nổ pháo tự chế. Khai thác thông tin từ người nhà bệnh nhân cho biết khoảng 21 giờ ngày 31/12/2023, bệnh nhân bị tai nạn do pháo nổ trong lúc đang tự chế pháo.

Sau khi được băng cầm máu ở tuyến trước, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, được phẫu thuật xử trí vết thương kỳ đầu theo nguyên tắc xử trí vết thương hỏa khí.

Tiến sỹ Nguyễn Viết Ngọc - Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật cho biết bàn tay phải bệnh nhân dập nát, ngón cái đứt rời và dập nát toàn bộ, ngón 3 đứt rời đốt 2-3, các ngón 2,4,5 dập nát phần mềm và xương gãy phức tạp nhiều vị trí. Kíp phẫu thuật đã xử trí cắt lọc tổn thương, găm đinh cố định các ngón và để ngỏ tổn thương.

Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, thay băng chăm sóc vết thương và đã khâu vết thương và ghép da làm liền vết thương. Khi vết thương liền da ổn định sẽ được khám xét lại để thực hiện tiếp phẫu thuật chuyển ngón chân cái phục hồi ngón tay cái.

Tiến sỹ Ngọc khuyến cáo tổn thương do pháo nổ thường là phức tạp, nhiều trường hợp tổn thương nhiều vị trí như bàn tay, mặt, thân người… nên điều trị khó khăn, tốn nhiều thời gian và thường để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn.

Đặc biệt, vào dịp sát Tết và Tết Nguyên đán hàng năm, Bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị vết thương bàn tay do pháo nổ, đa số bệnh nhân ở độ tuổi từ 10-16 tuổi tự chế pháo để chơi Tết. Vì vậy, trước sự nguy hiểm của pháo tự chế, bác sỹ Ngọc khuyến cáo mỗi gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm các quy định về quản lý pháo, không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ (thuốc pháo) để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra từ pháo nổ./.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nhieu-ca-benh-bi-tai-nan-nghiem-trong-do-su-dung-phao-no-tu-che-post920132.vnp

Chia sẻ bài viết