Tiếng Việt | English

29/08/2018 - 05:25

Nhiều người chết vì ong đốt: Cách sơ cứu loại nọc độc đơn giản ít ai biết

Khi bị ong đốt, nọc độc không chỉ gây hoại tử tại chỗ còn xâm nhập vào máu gây suy thận, vỡ cơ, suy tim cấp, chảy máu phổi...

Ong đốt 70 vết, nam thanh niên suy đa tạng

BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, vài tuần trở lại đây, ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận 3-4 bệnh nhân nặng do bị ong đốt. Hiện tại có 4 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 2 trường hợp nặng, phải chạy thận nhân tạo, lọc máu nhiều lần.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Trịnh Xuân Hà (23 tuổi, Phú Lương, Thái Nguyên), bị ong vò vẽ tấn công khi đang lấy củi trong rừng. Đàn ong vỡ tổ lao vào tấn công chàng trai trẻ với trên 70 nốt khắp cơ thể, tập trung vào đầu, 2 cánh tay.

Nam bệnh nhân 23 tuổi bị ong vò vẽ đốt hơn 70 nốt

Tối 19/8, bệnh nhân được chuyển đến BV đa khoa tỉnh Thái Nguyên cấp cứu, sau đó chuyển tiếp xuống BV Bạch Mai trong tình trạng suy đa tạng, tiêu cơ vân, viêm tụy cấp hiếm gặp.

Bệnh nhân thứ 2 là Nguyễn Tân Hoàng (47 tuổi, Hà Nam) bị biến chứng suy đa tạng, viêm thận, vô niệu không tiểu được sau khi bị ong vò vẽ đốt 60 nốt, tập trung chủ yếu vào vùng đầu.

15 phút sau khi bị ong đốt, người anh nóng bừng, khó chịu, choáng váng. Anh Hoàng được một người bạn chở về nhà và lấy đá chườm nhưng không đỡ, được chuyển lên BV Bạch Mai ngày 3/8, đến nay đã điều trị gần 1 tháng song vẫn phải theo dõi tình trạng suy thận cấp và dùng thuốc lợi tiểu.

Khi mới đến Trung tâm chống độc, bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, suy thận... được chỉ định truyền dịch, lọc máu liên tục.

Các bác sĩ cho biết, nếu nhập viện trễ vài tiếng nữa, bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong do nọc độc của ong đã tấn công vào máu gây viêm thận cấp, không tiểu được, chất độc ứ đọng trong người.

Ngay lập tức uống thật nhiều nước

BS Nguyên cho biết, mức độ nặng, nhẹ của mỗi trường hợp bị ong đốt tuỳ thuộc vào loài ong, số lượng nốt đốt, trong đó 2 loài ong nguy hiểm nhất là ong vò vẽ và bắp cày. Nốt đốt càng nhiều, càng gần vị trí đầu, cổ, ngực sẽ càng nhiễm độc nặng.

Theo BS Nguyên, nọc độc của ong có thành phần chính là protein, ngay khi đốt sẽ gây tổn thương tại vị trí đốt gây đau và hoại tử tại chỗ, sau đó xâm nhập vào máu gây vỡ hồng cầu, tổn thương cơ, suy thận, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Nếu bệnh nhân bị đốt nhiều nốt có thể bị tổn thương cơ tim, suy tim, chảy máy phổi, suy hô hấp... 

Bệnh nhân ở Hà Nam điều trị gần 1 tháng nhưng vẫn chưa được xuất viện do xử trí ban đầu chậm trễ

Bệnh nhân ở Hà Nam điều trị gần 1 tháng nhưng vẫn chưa được xuất viện do xử trí ban đầu chậm trễ

Thực tế đã có nhiều bệnh nhân tử vong do ong đốt ở 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu do dị ứng, sốc phản vệ, gây chèn ép đường thở dẫn tới tử vong; giai đoạn sau do nhiễm độc (chiếm chủ yếu), thường tử vong sau vài ngày đến vài tuần.

BS Nguyên nhấn mạnh, các phương pháp dân gian như chườm đá, bôi vôi, bôi hồ nước, kem đánh răng... chỉ có tác dụng làm dịu vết đốt nhưng không có giá trị sơ cứu do nọc độc vẫn còn nguyên.

Do đó trước khi đến cơ sở y tế, việc đầu tiên là cần sơ cứu đúng cách, dùng dụng cụ được sát trùng lấy vòi chích của ong ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra các vùng lân cận.

Kế đó rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt 2 lần/ngày.

“Đặc biệt người bị ong đốt cần uống nhiều nước hơn bình thường, có thể uống nước lọc, nước canh, hoa quả, nước oresol để đi tiểu nhiều giúp thải độc khỏi cơ thể”, BS Nguyên nhấn mạnh.

BS Nguyên khuyến cáo, nếu bệnh nhân bị đốt từ 5-10 nốt trở lên, cần phải nhập viện càng sớm, càng tốt. Nếu sơ cứu đúng cách và sớm bằng cách truyền nhiều dịch, bệnh nhân có thể chỉ phải nằm viện 1-2 ngày thay vì phải điều trị cả tháng ròng./.

Theo Vietnamnet.vn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích