Tiếng Việt | English

08/01/2020 - 21:12

Nhiều nước yêu cầu công dân sơ tán hoặc tránh tới Iraq

Bộ trưởng Lao động Philippines Silvestre Bello cho biết lệnh sơ tán công dân khỏi Iran và Liban được Chính phủ Philippines đưa ra sau khi nước này nâng mức báo động lên cấp 4.

Bộ trưởng Lao động Philippines Silvestre Bello. (Nguồn: pna.gov)

Bộ trưởng Lao động Philippines Silvestre Bello. (Nguồn: pna.gov)

Ngày 8/1, Philippines đã yêu cầu hàng chục nghìn công dân rời khỏi Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực tiếp tục xấu đi sau khi Iran bắn hàng loạt tên lửa vào các căn cứ quân sự có lực lượng Mỹ và liên quân quốc tế đồn trú tại Iraq để trả đũa vụ không kích của Mỹ sát hại một vị tướng cấp cao của Iran.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Lao động Philippines Silvestre Bello cho biết lệnh sơ tán công dân khỏi Iran và Liban được Chính phủ Philippines đưa ra sau khi nước này nâng mức báo động lên cấp 4 và ra lệnh cho các công dân rời khỏi Iraq.

Ông nhấn mạnh sẽ là một "cơn ác mộng" nếu xung đột giữa Iran và Mỹ - một đồng minh thân cận của Philippines - biến thành một cuộc chiến toàn diện.

Hiện Chính phủ Philippines đã sẵn sàng các biện pháp nhằm đảm bảo việc làm cho lao động hồi hương.

Trong khi đó, một con tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines - vừa mới nhận từ Pháp và đang trên đường tới Philippines - đã nhận được lệnh di chuyển tới Oman và Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) để hỗ trợ các công dân Philippines.

Theo lực lượng trên, những lao động Philippines ở nước ngoài sẽ được đưa tới các cảng an toàn hơn, nơi họ sẽ được đưa lên máy bay.

Hiện có khoảng 2,3 triệu người Philippines đang làm việc ở Trung Đông. Họ chủ yếu làm các công việc như người giúp việc, công nhân xây dựng, kỹ sư và y tá.

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, chỉ riêng tại Iraq đã có 1.600 công dân Philippines đang làm việc, hơn một nửa số này tập trung ở khu vực người Kurd kiểm soát và số còn lại làm việc tại các cơ sở của Mỹ và các nước khác ở thủ đô Baghdad cũng như các cơ sở thương mại ở Erbil.

Cùng ngày, Pakistan đã khuyến cáo công dân tránh đến Iraq.

Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan nhấn mạnh công dân nước này cần hết sức thận trọng khi có kế hoạch tới Iraq vào thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, quyền Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Carmen Calvo thông báo một số binh lính nước này đã được lệnh rút khỏi Iraq do lo ngại về an ninh.

Ông cho biết những binh lính đảm nhiệm các vị trí có nguy cơ rủi ro cao đã được chuyển tới Kuwait.

Quyết định này được đưa ra sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo điều chuyển một số binh sỹ huấn luyện quân sự khỏi địa bàn Iraq.

Cũng trong ngày 8/1, một nguồn tin của Chính phủ Pháp cho biết nước này không có kế hoạch rút 160 binh sỹ đồn trú tại Iraq sau vụ tấn công bằng tên lửa của Iran nhằm vào các căn cứ quân sự có lực lượng Mỹ và liên quân quốc tế đồn trú tại Iraq.

Trước đó, một người phát ngôn quân đội Pháp cho biết lực lượng này tại Iraq không ghi nhận thương vong nào sau vụ tấn công của Iran.

Căng thẳng tại Trung Đông đã leo thang sau vụ không kích của Mỹ sát hại Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Sáng 8/1, Iran đã đáp trả bằng việc phóng hàng chục tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ ở Iraq, nơi các binh sỹ Mỹ và liên quân đồn trú.

Cố vấn Tổng thống Iran, ông Hessameddin Ashena tuyên bố mọi hành động trả đũa của Washington sau các vụ tấn công tên lửa của Tehran nhằm vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq đều có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện ở khu vực Trung Đông./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết