Tiếng Việt | English

09/04/2021 - 09:46

Nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường

Cùng với sự phát triển, tỉnh Long An luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT) để phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tác động ảnh hưởng đến môi trường, qua đó đặt ra nhiều thách thức đối với công tác BVMT.

Một số địa điểm bãi đất trống, lề đường hay ở gần chợ vẫn có những đống rác tự phát gây ô nhiễm

Một số địa điểm bãi đất trống, lề đường hay ở gần chợ vẫn có những đống rác tự phát gây ô nhiễm

Vẫn còn nhiều nguy cơ xảy ra ô nhiễm

Trên địa bàn tỉnh hiện nay tập trung nhiều cơ sở công nghiệp sản xuất những loại hình khác nhau, trong đó, tồn tại các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư. Trong sản xuất nông nghiệp, thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học vẫn còn phổ biến. Cùng với đó, biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp,... Đó là những tác động nhất định đến môi trường và làm gia tăng nhiều áp lực đối với môi trường.

Thực tế, những năm gần đây, nhiều sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh đối diện với nhiều nguy cơ bị ô nhiễm. Qua quan trắc cho thấy, hiện nay, vấn đề ô nhiễm chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng trong nước mặt còn khá phổ biến tại các vị trí tiếp nhận nước thải từ khu dân cư tập trung và hoạt động công nghiệp. Nước mặt tại một số tuyến kênh, rạch nội đồng đã và đang bị ô nhiễm từ mức trung bình đến mức cao các chất hữu cơ, ô nhiễm dinh dưỡng.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân được xác định là do những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt của dân cư, các hoạt động sản xuất công nghiệp. Mặt khác, nhiều tuyến kênh nội đồng bị bồi lấp và trên mặt kênh có nhiều rác, cỏ, đặc biệt là việc lục bình sinh sôi, nảy nở nhanh làm cho quá trình tiêu thoát nước bị hạn chế và làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn cho biết: “Đối với chất thải rắn sinh hoạt, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có khoảng 570-590 tấn được thu gom và đưa đi xử lý ở Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa, huyện Thạnh Hóa và Đa Phước ở TP.HCM. Ngoài ra, một số huyện đổ tại bãi rác của huyện”.

Nhìn chung, công tác quản lý, thu gom chất thải rắn sinh hoạt thời gian qua được các cấp, ngành và cộng đồng quan tâm và có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa được phân loại tại nguồn, chất thải rắn phát sinh trên địa bàn huyện nào thì UBND huyện đó chịu trách nhiệm kiểm soát và quản lý từ việc thu gom, vận chuyển đến xử lý. Mặt khác, ở một số huyện vẫn còn bãi rác lộ thiên gây ô nhiễm, bốc mùi hôi thối như bãi rác huyện Bến Lức, Đức Huệ; tuy nhiên, để xử lý thì đòi hỏi kinh phí lớn.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bến Lức - Nguyễn Quốc Hùng, cho biết: “Trong việc thu gom rác, các xã địa bàn rộng, dân cư thưa, đường giao thông nông thôn nhỏ, hẹp, xe thu gom rác khó tiếp cận. Ngoài ra, thời gian qua, địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc thu phí thu gom, xử lý rác nên tỷ lệ thu đạt thấp, không đạt theo kế hoạch đề ra, do đó ngân sách phải cấp bù chiếm tỷ lệ cao”.

Dù ở tỉnh chưa xảy ra những sự cố môi trường nghiêm trọng nhưng vẫn có những đơn vị, doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác BVMT. Những năm qua, đã xảy ra những vụ việc đổ trộm rác ở những bãi đất, khu vực vắng vẻ ít người qua lại. Mặt khác, vẫn còn những khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, chất thải nguy hại chưa được phân loại riêng, còn để chung với chất thải sinh hoạt. Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, có chủ đầu tư còn trì trệ và kéo dài việc thực hiện hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi xả ra môi trường. Như Cụm công nghiệp (CCN) Hoàng Gia gần 15 năm qua vẫn chưa có hệ thống khu xử lý nước thải tập trung đưa vào vận hành.

“Người dân ở địa phương rất lo lắng bởi trong CCN có hàng chục nhà máy thứ cấp hoạt động. Được biết, những đơn vị thứ cấp này đã có hệ thống xử lý sơ qua nước thải trước khi xả ra môi trường bên ngoài nhưng như vậy cũng khó mà đạt yêu cầu. Mong muốn thời gian tới, ngành chức năng có biện pháp hữu hiệu để bắt buộc chủ đầu tư CCN này hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung cho toàn cụm” - ông Nguyễn Văn Thành, ngụ xã Mỹ Hạnh Nam, bày tỏ.

Kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm

Ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa kể, năm qua, hàng chục hộ dân phản ánh đến ngành chức năng tình trạng một công ty (Cty) trong Khu công nghiệp Hòa Bình sản xuất muỗng, nĩa gây ô nhiễm môi trường nặng nề, gây tiếng ồn lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Được biết, sau khi có phản ánh, Cảnh sát môi trường đã kiểm tra, xác định Cty này có 2 hành vi vi phạm về BVMT là thải bụi có chứa thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật và không thu gom chất thải nguy hại theo quy định. Ngoài việc yêu cầu khắc phục những vi phạm, UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty này số tiền 270 triệu đồng.

Bên cạnh đó, ý thức BVMT trong cộng đồng dân cư còn hạn chế. Điều này được thể hiện rõ khi nhiều người đi đường vẫn vứt rác, chất thải, xác súc vật chết bừa bãi ở đoạn đường vắng, bãi đất trống. Do vậy, nhiều nơi bỗng dưng trở thành “đống rác”, “bãi rác” tự phát làm mất mỹ quan, phát sinh ruồi nhặng, ô nhiễm môi trường.

Theo Thượng tá Lại Văn Út - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, năm 2020, đơn vị đã quyết định theo thẩm quyền và tham mưu xử phạt vi phạm BVMT 27 vụ, 28 cá nhân, đơn vị với tổng tiền phạt gần 6,8 tỉ đồng. Trong đó, vi phạm ở lĩnh vực công nghiệp chủ yếu là lắp đặt đường ống, máy bơm, bơm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường, nguy hại cho đơn vị không có chức năng thu gom, xử lý.

“Thời gian tới, lực lượng cảnh sát môi trường tiếp tục chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm BVMT trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là ở các doanh nghiệp có nhiều dư luận phản ánh hoặc nguy cơ cao gây ô nhiễm, xả khí, nước thải vượt quá quy định” - Thượng tá Lại Văn Út nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn, đơn vị luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra về BVMT, có trọng tâm, trọng điểm. Từ đó, đã có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa sai phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi chính sách, pháp luật về BVMT.

Trước những tác động và nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn nên cùng với kiểm tra, xử lý vi phạm, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động BVMT trong doanh nghiệp, người dân. Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên quan trắc, đánh giá môi trường, chất lượng nước, không khí ở các khu vực, nhất là ở những địa bàn phát triển công nghiệp, khu vực sông, kênh, rạch gần các khu, CCN, nhà máy, xí nghiệp để kịp thời nắm bắt tình hình, qua đó chấn chỉnh, giải quyết kịp thời ô nhiễm nếu có và xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, áp dụng những công nghệ, khoa học - kỹ thuật để theo dõi, giám sát việc xử lý môi trường.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra, giám sát yêu cầu các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp quan tâm đầu tư những công nghệ, trang thiết bị sản xuất hiện đại, hạn chế ô nhiễm môi trường. Trong thu hút đầu tư, các cấp, các ngành cũng quan tâm tham mưu tỉnh để có sự chọn lọc, không tiếp nhận đối với những đơn vị sản xuất với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn đã, đang duy trì và triển khai áp dụng những mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ cao để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các chất hóa học. Các cấp, các ngành và trong cộng đồng dân cư đã tiến hành xây dựng được những mô hình BVMT, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, ở các cánh đồng sản xuất nhân rộng các điểm thu gom chai lọ thuốc BVTV tập trung để xử lý.

Song song đó, tỉnh cũng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh việc thực hiện nhà máy rác ở Thủ Thừa và thực hiện các giải pháp xử lý, giải quyết các điểm, khu vực, kênh, rạch bị ô nhiễm; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thu gom, xử lý rác thải, thực hiện phân loại rác tại nguồn./.             

Lê Đức

Chia sẻ bài viết