Tiếng Việt | English

10/10/2016 - 09:44

Những bữa cơm ấm lòng học trò nghèo

Bếp ăn của Trường Tiểu học Thi Văn Tám, xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An được thành lập từ tháng 11/2015 và duy trì đến nay. Mỗi ngày, bếp cung cấp hơn 100 phần ăn trưa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về nhà vào buổi trưa.

Những đầu bếp nghiệp dư

Trưa nào cũng vậy, ở bếp ăn từ thiện tại đình thần Hòa Khánh, xã Hòa Khánh Nam, luôn đông đúc và rộn rã tiếng cười vui. Sau giờ tan trường buổi sáng, hơn 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường Tiểu học Thi Văn Tám tập trung tại sân đình để ăn trưa. Bữa ăn của các em gồm cơm, món mặn, và món canh.

Khi các em đến, bàn ghế và thức ăn được dọn sẵn, cơm được bới ra từng tô. Ai đến trước thì lấy đũa, muỗng và dọn ghế. Khi đông đủ, tất cả đều đồng thanh “Chúc các bạn ngon miệng!”. Bếp ăn được duy trì bằng lòng hảo tâm của mạnh thường quân và tấm lòng của những đầu bếp nghiệp dư. Họ là những phụ nữ ngoài 50 tuổi, mỗi ngày, họ sắp xếp công việc gia đình, tranh thủ dành 1 buổi nấu ăn cho các em.


Các bà đang chuẩn bị bữa ăn cho các em

Để phụ bếp, bà Trần Thị Gái và Nguyễn Thị Lộc phải thức dậy từ 3-4 giờ sáng. Người thì làm việc nhà, chuẩn bị cho 2 cháu nhỏ đến trường, người thì loay hoay với bột, đường để làm bánh mang ra chợ bán. 7 giờ sáng, khi phiên chợ bắt đầu tan và các cháu đã yên trong lớp học, thì những người bà này lại đến ngay bếp ăn từ thiện. 

Mỗi người phụ nữ có một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nhưng họ có chung tấm lòng nhân ái và yêu thương những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Hội Khuyến học huyện chịu trách nhiệm vận động kinh phí, những người như bà Hoa, bà Gái,... chịu trách nhiệm nấu nướng và duy trì bếp ăn hàng ngày. Ở đó, họ không phải nấu cho xong nhiệm vụ mà làm vì tình yêu thương. 

Tình yêu ở bếp ăn

Ngoài việc mang đến cho các em những bữa cơm trưa, những đầu bếp nghiệp dư này còn dạy các em một số kỹ năng sống. Sau mỗi bữa cơm, các em tự mang ghế của mình đi dẹp, tự mang tô của mình đi rửa, trật tự và cẩn thận. Lúc nhận món tráng miệng, các em nhận bằng 2 tay và nói lời cảm ơn.

Những người phụ bếp xem các em như con cháu trong nhà và các em kính trọng họ như ông bà, cha mẹ. Các em vui vẻ, hồn nhiên gọi: “Bà ba ơi, hôm nay ăn gì?”, “Bà tư ơi, bữa nay bạn con xin vắng”,...

Sau bữa ăn, em Trần Khắc Triệu - học sinh lớp 5, Trường Thi Văn Tám nán lại ngồi chơi với các bà, trò chuyện đôi câu nữa rồi mới chịu về lớp chuẩn bị cho giờ học chiều. Nhà Triệu xa trường, cha mẹ đi làm suốt ngày nên buổi trưa, em thường không có chỗ nghỉ trưa. Trước đây, em hoặc nhịn đói, hoặc mua mì gói ăn cho qua bữa. Từ khi có bếp ăn của Hội Khuyến học, Triệu có được bữa trưa đầy đủ và ngon miệng. Nhiều hôm biết cha mẹ sẽ đi làm về trễ, Triệu nán lại xin: “Bà cho con thêm một phần nữa, để dành bữa chiều vì hôm nay ba mẹ con về trễ”. Và tất nhiên, các bà đồng ý.


Các em ăn trưa tại bếp ăn

Bếp ăn được tổ chức cho các em học sinh trường tiểu học, nhưng nếu khi các em lên THCS có hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, muốn được tiếp tục ăn ở bếp ăn thì vẫn được chấp thuận. Như em Dương Nguyễn Kim Anh, năm nay học lớp 6, nhưng vẫn xin các bà được ăn cơm ở bếp ăn từ thiện. Vậy là mỗi trưa, trước khi vào lớp, em lại ghé bếp ăn, ngồi cùng mâm với các bà.

Sau một năm hoạt động, bếp ăn từ thiện của Hội Khuyến học huyện Đức Hòa không chỉ mang đến cho học sinh nghèo bữa trưa no bụng mà qua đó, các em còn được trang bị thói quen chào hỏi, cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ của người khác./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết