Thời gian qua, dịch vụ xe cấp cứu từ thiện của trung tâm đã cứu giúp 1.400 trường hợp trong và ngoài tỉnh
Chung một tấm lòng thiện nguyện
Trung tâm Cấp cứu từ thiện huyện Cần Giuộc do ông Mai Văn Chư (SN 1970) thành lập ngày 09/9/2019 tại khu phố 4, thị trấn Cần Giuộc. Để có kinh phí cho trung tâm hoạt động, ông Chư đã bán mảnh đất của gia đình được gần 4 tỉ đồng để xây trung tâm, mua 1 xe cấp cứu chuyên dụng rồi cả nhà chuyển hẳn ra đó ở.
Ông Chư tâm sự: “Chứng kiến nhiều trường hợp bị tai nạn, không có xe cấp cứu vận chuyển kịp thời dẫn đến nguy kịch, có khi không qua khỏi, tôi xót xa lắm nên nghĩ ra mô hình xe cấp cứu từ thiện phục vụ 24/24. Các thành viên tại trung tâm gặp nhau như một cái duyên. Trong một lần tình cờ, tôi gặp ông Bùi Thanh Tùng cũng đang chạy xe cấp cứu từ thiện tại TP.HCM, qua trò chuyện, thấy hợp ý nên về làm chung. Ban đầu, trung tâm chỉ có vài thành viên nhưng dần dần thấy việc làm ý nghĩa nên nhiều người tình nguyện tham gia, người thì lái xe, người đẩy băng ca, người lo cơm nước, hậu cần. Đến nay, trung tâm có 15 thành viên hoạt động thường xuyên”.
Những trường hợp tìm đến dịch vụ thường là nạn nhân bị tai nạn giao thông, những trường hợp bệnh nặng cần đến bệnh viện hoặc BN từ bệnh viện chuyển về nhà. Xe được đầu tư đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng như băng ca, bình oxy, túi cứu thương,... Được biết, thành viên trong đội xe cấp cứu từ thiện đều được Hội Chữ thập đỏ các cấp tập huấn, trang bị kỹ năng sơ cấp cứu, đẩy băng ca,… Những ngày đầu mới thành lập, các thành viên phải đi “gõ cửa” từng trạm y tế trên địa bàn huyện, đến tận nhà người dân ở các xã xa trung tâm, các địa phương lân cận phát tờ rơi, cung cấp số điện thoại để mọi người biết đến.
Là Đội phó Đội xe cấp cứu từ thiện, gắn bó với trung tâm từ những ngày đầu, ông Bùi Thanh Tùng (SN 1969, ngụ xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã trích tiền cá nhân để mua 1 xe cấp cứu. Ông tâm niệm: “Tùy theo khả năng của mỗi người, chỉ cần giúp được người khác là bản thân thấy rất vui. Tôi mua lại chiếc xe cấp cứu đã qua sử dụng với giá 400 triệu đồng để làm từ thiện. Mỗi ngày, tôi đi - về giữa Long An và TP.HCM. Ở đây, không phân biệt BN ở đâu, là ai, chỉ cần mọi người tìm đến trung tâm là chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ miễn phí 24/24”.
Số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ của trung tâm
Mặc dù khác nhau về công việc, tuổi tác nhưng các thành viên trung tâm đều có chung một tấm lòng thiện nguyện. Anh Từ Chi Lý (SN 1993) tâm sự: “Tôi làm nghề hớt tóc cạnh trung tâm, thấy hoạt động này ý nghĩa nên xin tham gia. Mỗi khi có trường hợp cần hỗ trợ, tôi phụ đẩy băng ca, lo hậu cần. Các thành viên cũng luân phiên nhau trực 24/24 để tiếp nhận thông tin, điều phối xe”.
Là một trong số các thành viên nữ hiếm hoi của trung tâm, chị Phạm Thị Phượng, (ngụ quận 8, TP.HCM) cho biết: “Tôi chuyên phân phối rau, củ nên hỗ trợ thực phẩm cho trung tâm. Mỗi ngày, sau khi hoàn thành công việc, tôi đến trung tâm để lo thức ăn, nước uống cho các thành viên trong đội, sau khi xong việc thì về lại TP.HCM”.
Hạnh phúc là cho đi
Không ngại khó khăn, chẳng quản giờ giấc, gần 1 năm qua, những chuyến xe nghĩa tình của Trung tâm Cấp cứu từ thiện huyện Cần Giuộc đã cứu giúp 1.400 trường hợp. Người nhà nạn nhân có ý trả tiền xe, bồi dưỡng tiền cho anh em nhưng các thành viên đều từ chối. Có dịp trò chuyện cùng các thành viên trong đội mới thấy, giúp người đâu mong người trả ơn, có khi hạnh phúc đơn giản chỉ là biết tin người đi đường bị tai nạn qua cơn nguy kịch hay người phụ nữ mang thai gặp tai nạn đã được “mẹ tròn, con vuông”,… Ông Chư kể: “Tôi vẫn nhớ như in vụ tai nạn xảy ra ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM, nạn nhân là một phụ nữ đang mang thai. Nghe tin, chúng tôi tức tốc lên đường chở nạn nhân đến Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM. Đến khi nghe tin nạn nhân đã được cấp cứu kịp thời, mẹ và bé đều khỏe mạnh, chúng tôi mới nhẹ lòng ra về. Sau đó, người nhà của nạn nhân đã tìm đến tận trung tâm để cảm ơn. Ở đây, anh em giúp đỡ người khác đâu mong người ta trả ơn, còn sức khỏe giúp được người khác đã là hạnh phúc”. Cũng như ông Chư, các thành viên trong đội luôn tâm niệm, dù có bất cứ tình huống nào xảy ra thì những ai đã tìm đến trung tâm đều nhận được sự hỗ trợ hết mình.
Các thành viên trong đội thường xuyên kiểm tra trang thiết bị của xe cấp cứu để bảo đảm vận chuyển thuận lợi, nhanh chóng
Ông Nguyễn Ngọc Bá - tài xế tại trung tâm, cho biết: “Trung tâm có 2 xe cấp cứu, hôm nào, số trường hợp cần giúp nhiều, không đủ xe phục vụ, chúng tôi tận dụng cả xe du lịch của gia đình để chở. Mặc dù thiết bị y tế trên xe du lịch không được đầy đủ như xe cấp cứu chuyên dụng nhưng chúng tôi mong muốn chở BN đến cơ sở y tế một cách nhanh nhất. Nhiều trường hợp, nạn nhân không có tiền đóng viện phí, chúng tôi góp lại để giúp. Một lần, tôi chuyển BN đau ruột thừa từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc đến Bệnh viện 115, TP.HCM. Vì hoàn cảnh khó khăn, người nhà không có tiền đóng viện phí nên không thể tiến hành phẫu thuật, tôi hỗ trợ 2 triệu đồng. Chứng kiến cảnh họ vỡ òa hạnh phúc khi người thân được cứu rồi rối rít cảm ơn mình là vui rồi”. Có lẽ, “sợi dây vô hình” mang tên lòng nhân ái đã giúp các thành viên vượt qua những khó khăn, gắn bó với công tác thiện nguyện.
Thời gian tới, trung tâm sẽ hỗ trợ thêm chỗ ở cho người nhà BN có hoàn cảnh khó khăn, chỗ nghỉ ngơi cho tài xế ở các tỉnh khi chuyển bệnh. Hy vọng rồi đây, lòng nhân ái từ những chuyến xe nghĩa tình của Trung tâm Cấp cứu từ thiện huyện Cần Giuộc tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng./.
Thành Phát - Nguyễn Dung