"Thương binh tàn nhưng không phế"
Theo chân Chủ tịch Hội CCB xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An - Phan Văn Thắng, chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Văn Liền (SN 1945, ở tại Làng thương binh ấp 1, xã Nhị Thành). Vợ chồng ông đều là thương binh nặng hạng 1/4 nhưng đã viết nên câu chuyện về nghị lực của người thương binh, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”.
Theo tiếng gọi của non sông, năm 1963, ông Liền lên đường tòng quân, biên chế tại Tiểu đoàn 267, Quân khu 3 (nay là Quân khu 7). Đây là đơn vị chủ lực tác chiến trên chiến trường miền Nam. Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ông cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công hiển hách. Vào tháng 3/1975, trong một trận chiến đấu với địch tại xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, ông bị trúng đạn và bị thương nặng nên được đưa đi an dưỡng tại Bệnh viện Quân y 121 (TP.Cần Thơ). Sau thời gian điều trị, năm 1982, ông về Làng thương binh ấp 1, xã Nhị Thành. Tại đây, ông gặp gỡ và nên duyên vợ chồng cùng bà Hồ Thị Ánh.
Dù việc đi lại và sinh hoạt gặp nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ vợ chồng ông Phạm Văn Liền gục ngã trước số phận
Ông Liền chia sẻ: “Mang trong mình nhiều thương tích của chiến tranh nên khi trở về với cuộc sống đời thường, chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn. Thế nhưng, vợ chồng tôi động viên nhau cùng lao động trong khả năng để nuôi sống chính mình”.
Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, không ngại gian khổ, vợ chồng ông nỗ lực phát triển kinh tế từ chăn nuôi heo, gà và buôn bán tạp hóa. Nhờ vậy, gia đình ông từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng được ngôi nhà kiên cố.
Qua chia sẻ, chúng tôi được biết, ông bà có 1 người con nhưng chẳng may mất sớm do bị bệnh. Ở tuổi già, ông bà nương tựa nhau mà sống. Hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng ông bà luôn suy nghĩ lạc quan và xác định dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải nỗ lực, phấn đấu làm thật tốt vai trò, nhiệm vụ của mình để xứng đáng với phẩm chất người lính Cụ Hồ.
Ông Phan Văn Thắng nhận xét: “Vợ chồng ông Phạm Văn Liền luôn lạc quan, có ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Họ là tấm gương sáng, luôn đi đầu trong các phong trào do Hội phát động, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh”.
Tỏa sáng giữa đời thường
Trong những ngày tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, ông Võ Văn Qui (SN 1939, ngụ ấp An Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa) chẳng may mất 1 bàn tay và trở thành thương binh hạng 2/4. Dù vậy, ông vẫn luôn lạc quan, cống hiến hết mình cho cộng đồng, chung tay phát triển KT-XH địa phương.
Vừa nhấp ngụm trà, người CCB với nụ cười đôn hậu vừa chia sẻ cho chúng tôi nghe về những năm tháng tham gia chiến đấu. Ông Qui nói: “Tôi nhập ngũ năm 1960 và tham gia vào lực lượng du kích chiến đấu ở địa phương. Đến năm 1969, tôi chuyển sang tham gia hoạt động công tác Đoàn. Sau khi được cấp trên đưa đi học bổ túc về văn hóa, năm 1984, tôi công tác tại Nhà Thiếu nhi tỉnh. Sau đó, tôi được đưa đi học về công tác Đảng và công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy phụ trách xây dựng Đảng ở cơ sở. Đến tháng 10/1991, tôi về hưu. Năm 1994, tôi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ ấp An Thạnh. Năm 1997, tôi làm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã An Ninh Tây (8 năm) và tiếp đến là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã An Ninh Tây (9 năm)”.
Ông Võ Văn Qui vẫn luôn lạc quan, cống hiến hết mình cho cộng đồng, chung tay phát triển KT-XH địa phương
Dù ở vị trí công tác nào, ông Qui cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không chỉ tiên phong, gương mẫu tham gia công tác xã hội, ông còn trăn trở làm thế nào để vươn lên ổn định cuộc sống. Ông Qui cho rằng, bản thân là người lính được rèn luyện trong môi trường quân ngũ thì không được lùi bước trước mọi trở ngại, nhất là trên mặt trận phát triển kinh tế. Với 2,5ha đất canh tác, ông áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, vợ chồng ông có điều kiện nuôi dạy 5 người con trưởng thành, lập gia đình và đều có cuộc sống ổn định. Trong đó, có người con trai là anh Võ Quốc Thanh hiện là Phó Trưởng Công an huyện Tân Thạnh. Gia đình ông đạt danh hiệu gia đình văn hóa nhiều năm liền. Các con, cháu của ông đều ngoan hiền, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
Bằng uy tín của mình, những năm tháng trở về với địa phương, ông Qui tích cực vận động người dân đồng thuận hiến đất, kinh phí để mở rộng, nâng cấp và xây dựng nhiều tuyến đường giao thông sáng, xanh, sạch, đẹp. Ngoài ra, ông phối hợp các đoàn thể vận động mạnh thường quân và người dân góp trên 500 triệu đồng mở rộng, nâng cấp đình thần An Ninh. Qua đó, không chỉ tỏ lòng thành kính và tri ân các bậc tiền nhân có công đóng góp xây dựng quê hương mà còn đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu tâm linh của người dân trong và ngoài địa phương.
Các CCB đã khẳng định ý chí và phẩm chất của người lính Cụ Hồ dù ở chiến trường hay đời thường vẫn mãi tỏa sáng. Với sự tiên phong, gương mẫu, họ trở thành tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ noi theo./.
Quang Nguyên