Tiếng Việt | English

23/07/2021 - 09:13

Những điều cần biết về “lây nhiễm đột phá” – vẫn mắc Covid-19 dù đã tiêm vaccine

Trong làn sóng đại dịch gần đây, đã xuất hiện các trường hợp đã tiêm chủng đầy đủ nhưng vẫn mắc Covid-19, hay còn được gọi là “lây nhiễm đột phá”, điều khiến nhiều người nghi ngờ vào hiệu quả của vaccine.

Gần đây có một số báo cáo về những trường hợp đã tiêm chủng đầy đủ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, tại Nhà Trắng, tòa nhà Quốc hội Mỹ, Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 và Giải bóng chày Major League. Với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta làm gia tăng các ca mắc bệnh, nhập viện và tử vong do Covid-19, nhiều người đang lo ngại về hiệu quả của vaccine.


Những người đã tiêm chủng vẫn có thể mắc Covid-19, nhưng đây là trường hợp hiếm gặp và sẽ chỉ mắc bệnh nhẹ. Ảnh minh họa: AP

Mặc dù vậy, các trường hợp lây nhiễm đột phá (những người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn sẽ mắc Covid-19 nếu phơi nhiễm với virus – ND) không làm các chuyên gia y tế ngạc nhiên hay lo lắng. “Tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào ở Mỹ cho thấy những trường hợp này đang xảy ra ở mức độ khiến chúng tôi lo ngại rằng hiệu quả của vaccine đang giảm sút”, Saad Omer, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu Yale, cho biết.

Tuy nhiên, những người đã được tiêm chủng đang tự hỏi, liệu các trường hợp đột phá về vaccine gia tăng có phải do sự lây lan của biến thể Delta hay không?

National Public Radio (NPR) đã chỉ ra những điều cần biết về các trường hợp đột phá về vaccine trong bối cảnh biến thể Delta lây lan nhanh chóng.

Vẫn có thể mắc Covid-19 ngay cả khi đã tiêm chủng

Theo NPR, những người đã tiêm chủng vẫn có thể mắc Covid-19, nhưng đây là những trường hợp hiếm và sẽ chỉ mắc bệnh nhẹ. Các nghiên cứu cho đến nay cho thấy, các loại vaccine hiện tại có hiệu quả trong việc chống lại biến thể Delta. Theo một nghiên cứu hồi tháng 6 tại Anh, vaccine Pfizer có hiệu quả 96% trong việc ngăn ngừa các ca nhập viện do biến thể Delta sau khi tiêm 2 liều.

Nếu một người bị nhiễm virus sau khi đã tiêm chủng, vaccine sẽ giúp họ tránh mắc bệnh nặng. “Các ca lây nhiễm đột phá thường mắc bệnh nhẹ, có xu hướng giống cảm lạnh hơn”, Tiến sĩ Carlos del Rio, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Emory (Mỹ), cho biết.

Tiến sĩ Monica Gandhi, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học California ở San Francisco, cho biết, một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí New England Journal chỉ ra rằng, nếu một người bị lây nhiễm đột phá với bất kỳ biến thể nào, họ sẽ có tải lượng virus thấp hơn 40% so với lây nhiễm tự nhiên.

Các trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng ở những người đã tiêm chủng có thể xảy ra nhưng rất hiếm. Vaccine Covid-19 làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng dẫn đến nhập viện hoặc tử vong. Theo Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hiện tại 97% những người nhập viện do Covid-19 chưa được tiêm chủng.

Tính đến ngày 12/7, trong số 159 triệu người được tiêm chủng đầy đủ, CDC ghi nhận 5.492 người phải nhập viện hoặc tử vong do Covid-19, và 75% trong số họ trên 65 tuổi. Không rõ có bao nhiêu người trong số những ca lây nhiễm đột phá liên quan tới biến thể Delta.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang lạm dụng thuật ngữ ‘đột phá’. Nếu một người đã tiêm chủng đầy đủ sau đó phải nhập viện hoặc tử vong do Covid-19 thì đó là một trường hợp lây nhiễm đột phá. Tôi sẽ không gọi một trường hợp lây nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sau khi tiêm vaccine là một trường hợp đột phá”, Tiến sĩ Paul Offit, Giám đốc Trung tâm Giáo dục vaccine tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, cho biết.

Ông Offit nói rằng, điều quan trọng là “vaccine vẫn đang làm tốt nhiệm vụ ngăn ngừa những ca nhập viện và tử vong do Covid-19”.

Biến thể Delta làm gia tăng số ca “lây nhiễm đột phá”?

Theo NPR, khi ngày càng nhiều người tiêm chủng, ngay cả khi những trường hợp lây nhiễm đột phá là rất hiếm, thì số ca mắc bệnh ở những người đã tiêm vaccine sẽ ngày càng gia tăng.

“Ngay cả khi vaccine có hiệu quả 95%, cứ 20 người đã tiêm chủng thì vẫn có 1 người có nguy cơ mắc bệnh. Điều quan trọng cần lưu ý là số lượng lớn các ca lây nhiễm nằm trong số những người chưa tiêm chủng”, Tiến sĩ Kathleen Neuzil, Giám đốc Trung tâm Phát triển Vaccine và Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Maryland, cho biết.

John Moore, giáo sư vi sinh vật học và miễn dịch học tại Đại học Y Weill Cornell, cho biết, khi biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh hơn khoảng 2-3 lần so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu, sẽ có nhiều ca mắc bệnh ở tất cả mọi người, kể cả người đã tiêm chủng hay chưa tiêm chủng.

“Nhưng khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2 ở những người đã tiêm chủng đầy đủ ít hơn nhiều so với những người chưa tiêm chủng”, ông Moore nói.

Nhà dịch tễ học Emily Martin tại Đại học Michigan cho biết, vẫn chưa có dữ liệu rõ ràng cho thấy biến thể Delta là nguyên nhân gây ra sự gia tăng lớn các trường hợp lây nhiễm đột phá ở Mỹ. “Chúng tôi vẫn đang theo dõi thêm”, bà Martin nói.

Ca “lây nhiễm đột phá” có lan truyền SARS-CoV-2 không?

Nhìn chung, những người đã tiêm chủng khi mắc Covid-19 sẽ có tải lượng virus trong cơ thể ít hơn. “Tải lượng virus thấp khiến bạn giảm nguy cơ lây truyền SARS-CoV-2 hơn. Điều này không phải là không thể xảy ra nhưng khả năng sẽ thấp hơn”, bác sĩ Gandhi nói.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cho biết, nghiên cứu về “khả năng lây truyền virus của các ca lây nhiễm đột phá” đang được tiến hành.

Mặc dù vẫn chưa có kết quả từ nghiên cứu đó, ông Fauci nói thêm rằng, tải lượng virus thấp hơn trong các trường hợp lây nhiễm đột phá cho thấy “người đã tiêm chủng khi nhiễm virus sẽ ít lây truyền bệnh hơn so với người chưa tiêm chủng”.

Vaccine có thể làm giảm nguy cơ mắc Covid-19 kéo dài

“Chúng tôi chưa thấy báo cáo về các trường hợp lây nhiễm đột phá mắc triệu chứng Covid-19 kéo dài”, bác sĩ Gandhi nói. Một lý do giải thích cho điều này có thể là triệu chứng Covid-19 kéo dài liên quan đến “một phản ứng viêm chỉ gặp phải khi bị lây nhiễm tự nhiên”.

Tuy nhiên, chuyên gia virus Angela Rasmussen thuộc Tổ chức vaccine và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Saskatchewan ở Canada lưu ý rằng, dữ liệu về điều này còn hạn chế nên không thể loại trừ hoàn toàn khả năng này.

“Điều quan trọng nhất là cần tránh bị lây nhiễm hoàn toàn. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng mọi người nên tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng dịch”, bà Rasmussen nói.

“Ngoài việc tiêm chủng, hãy đeo khẩu trang, rửa tay và để không khí lưu thông khi tụ tập trong nhà. Các biện pháp phòng dịch mà chúng ta đã áp dụng trước đây sẽ vẫn có hiệu quả trong việc chống lại biến thể Delta”, bà Rasmussen nói thêm./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết