Tiếng Việt | English

23/06/2024 - 06:59

Những hạn chế phổ biến của doanh nghiệp Việt dẫn đến an ninh mạng bị đe dọa

Sự gia tăng các mối đe dọa an ninh mạng đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư vào các giải pháp bảo mật tiên tiến. Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt đang cho thấy gặp nhiều hạn chế trong công tác bảo mật.

Cảnh báo lợi dụng deepfake dẫn dụ nạn nhân chat sex để tống tiền - Ảnh: PA05

Gần 2/3 số lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng ngân sách cho chuyển đổi số trong năm 2024. Cùng với đó, tầm quan trọng của an ninh mạng ngày càng được đề cao, khi sự phụ thuộc vào các hệ thống kỹ thuật số của doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng.

Những hạn chế sơ đẳng về an ninh mạng

Đây là kết quả được đưa ra trong báo cáo công bố danh sách Top 10 công ty công nghệ uy tín năm 2024 được Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện.

Trước sự nóng lên của mặt trận an ninh mạng, góc nhìn của các doanh nghiệp công nghệ với kiến thức và kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp bảo mật tiên tiến đã được ghi nhận thông qua khảo sát của Vietnam Report.

Theo đánh giá của doanh nghiệp trong ngành, sự lỏng lẻo trong quản lý quyền truy cập và chính sách về an ninh mạng vẫn tiếp tục là hạn chế khá phổ biến tại Việt Nam, dẫn đến các mối đe dọa an ninh thông tin, an toàn hệ thống ở cấp độ doanh nghiệp.

Kẻ tấn công có thể dễ dàng xâm nhập trái phép vào hệ thống nếu doanh nghiệp không quản lý chặt chẽ quyền truy cập hệ thống và dữ liệu nội bộ, phân cấp quyền và mức độ truy cập dựa trên từng loại dữ liệu và đối tượng có thể sử dụng những dữ liệu này trong doanh nghiệp.

Thứ nữa là tình trạng thiếu áp dụng chính sách bảo mật rõ ràng - quy định cụ thể các biện pháp bảo vệ dữ liệu, an toàn thông tin mạng vẫn xuất hiện tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này dẫn đến việc khó kiểm soát và phản ứng nhanh chóng khi có sự cố an ninh mạng xảy ra.

Không ít doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn tồn đọng những hạn chế như không thường xuyên tra soát, thiếu quy trình, kế hoạch kiểm tra và đánh giá định kỳ để sớm phát hiện các rủi ro tấn công mạng.

Khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, tháng 4/2024

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng số, hệ thống giám sát an ninh mạng của nhiều doanh nghiệp đã lỗi thời. Doanh nghiệp đầu tư không đủ vào nâng cấp công nghệ, chậm cập nhật các phần mềm, hệ điều hành và các giải pháp bảo mật, vì vậy dễ bị khai thác các lỗ hổng và gặp khó khăn trong việc chống lại các mối đe dọa mới.

Cần đầu tư các giải pháp bảo mật

Ngoài ra, yếu tố con người cũng được chỉ ra như một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các nguy cơ mất an ninh mạng. Nhân viên thiếu hiểu biết, không được đào tạo về an toàn thông tin, chưa chú trọng với tâm lý xem nhẹ hoặc không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề bảo mật, đã và đang tồn tại, tạo ra thách thức lớn để đảm bảo an ninh mạng của doanh nghiệp.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp công nghệ, nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn của hệ thống thông tin doanh nghiệp, 6 yếu tố bao gồm: tính bảo mật, tính toàn vẹn, tính kiểm toán, tính xác thực, tính sẵn sàng, và cuối cùng là tính chống chối bỏ.

Sự gia tăng các mối đe dọa an ninh mạng đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư vào các giải pháp bảo mật tiên tiến. Đây là yếu tố giúp doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang đứng trước cơ hội để chuyển mình, tăng trưởng.

Ra mắt nền tảng phát hiện sớm rủi ro an toàn thông tin

 

Ra mắt nền tảng phát hiện sớm rủi ro an toàn thông tin 

Các cơ quan, tổ chức có thể tham gia sử dụng nền tảng, miễn phí phục vụ cho công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Ngoài ra, nhu cầu từ thị trường quốc tế vẫn rộng mở khi chi tiêu công nghệ thông tin toàn cầu được dự báo duy trì mức tăng trưởng cao trong năm 2024 với chi tiêu cho công nghệ điện toán đám mây và AI là hai động lực chính cho tăng trưởng.

Triển vọng xuất khẩu phần mềm sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và APAC vẫn duy trì khả quan khi công tác chuyển đổi số được đẩy nhanh, trở thành xu thế tất yếu của thế giới./.

Theo báo cáo, trong năm 2023 Việt Nam ghi nhận 13.900 vụ tấn công an ninh mạng vào các hệ thống, tăng 9,5% so với năm 2022. Chỉ tính trong quý 1/2024, có tới 29.000 báo cáo lừa đảo liên quan tội phạm mạng.

Các cuộc tấn công diễn ra dưới nhiều hình thức, từ đánh cắp danh tính, tấn công lừa đảo, mã hóa dữ liệu bằng mã độc, xâm phạm email, tấn công từ chối dịch vụ (DDoS)… với các mã độc tấn công được nâng cấp ngày càng tinh vi hơn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/nhung-han-che-pho-bien-cua-doanh-nghiep-viet-dan-den-an-ninh-mang-bi-de-doa-20240622165048174.htm

Chia sẻ bài viết