Anh Trương Minh Trung thành công nhờ chọn hướng đi đúng cho cây thanh long
Thành công nhờ sản xuất thanh long sạch
Nhắc đến nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, nhiều người biết đến anh Trương Minh Trung - Chủ nhiệm Hội quán Cầu Đôi, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Long Hội.
Từ một nông dân nghèo, nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn GAP mà gia đình anh đã có cuộc sống sung túc, trở thành một trong những nông dân tiêu biểu được nhận giấy khen của UBND xã, huyện nhiều năm liền vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Anh Trung sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông ở ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long. Trước đây, gia đình anh gắn bó với cây lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Anh Trung chia sẻ: “Năm 1991, tôi quyết định chuyển sang trồng thanh long. Lúc ấy, tôi vẫn trồng theo phương pháp truyền thống. Mấy năm đầu chuyển đổi, tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn, kinh nghiệm, thời tiết lại không thuận lợi”.
Năm 2012, anh Trung thành lập HTX Thanh long Long Hội rồi vận động thành viên sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Anh Trung cho biết, nhờ trồng theo hướng sạch mà đầu ra trái thanh long của HTX luôn ổn định. HTX đã ký kết hợp đồng liên kết với Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ, theo đó, thanh long ruột trắng được công ty bao tiêu với giá từ 15.000 - 19.000 đồng/kg, ruột đỏ từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Được bao tiêu đầu ra, thanh long vườn nhà anh Trung và các thành viên HTX luôn bán cao hơn giá thị trường. Vì thế, thu nhập từ vườn thanh long của anh khá cao, từ 600 - 700 triệu đồng/ha/năm.
Anh Trung cho biết thêm, 2 năm gần đây, anh đã chuyển dần hơn 2ha thanh long trồng bằng trụ sang trồng bằng giàn. Trồng thanh long giàn cho năng suất cao gấp nhiều lần so với trồng trụ. Song song đó, anh luôn chú trọng đến quy trình sản xuất thanh long và bảo đảm các tiêu chí như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, bảo đảm chất lượng và uy tín của sản phẩm,...
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Trung còn phối hợp địa phương thành lập Hội quán Cầu Đôi để hỗ trợ nông dân làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Hiện tại, Hội quán Cầu Đôi có hơn 70 thành viên. Anh thường xuyên liên kết các ngành tổ chức các buổi chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình sản xuất thanh long sạch ở những tỉnh lân cận.
Khi hỏi về bí quyết sản xuất và kinh doanh, anh Trung nói, muốn sản xuất hiệu quả thì sản phẩm làm ra phải được thị trường chấp nhận. Vì thế, sản phẩm làm ra phải bảo đảm an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, để có chỗ đứng cho trái thanh long, nông dân phải liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với công ty thông qua HTX thì mới có điều kiện chứng nhận sản phẩm sạch, sản phẩm được xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND xã An Lục Long, huyện Châu Thành - Đoàn Bảo An thông tin: “Bằng sự nỗ lực vươn lên, anh Trung xứng đáng là tấm gương điển hình trong sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch và phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Trung còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho người dân để cùng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.
Làm giàu từ trồng rau ứng dụng công nghệ cao
Chị Lê Thị Thanh Thúy - nông dân ấp Phước Vĩnh, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, là một trong những người làm giàu từ trồng rau an toàn. Hiện gia đình chị sở hữu vườn rau hơn 2.000m2 với mức thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 25 triệu đồng, tạo việc làm cho trên 10 lao động địa phương.
Theo chị Thúy, chị gắn bó với nghề trồng rau đã hơn 20 năm. Lúc đầu, chị chỉ có 1.000m2 đất và trồng theo phương pháp truyền thống, nhỏ, lẻ, sản lượng cũng không nhiều, chủ yếu là các giống rau địa phương. Không có nhiều kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, chị phải tự tìm hiểu các tài liệu về nông nghiệp, tham gia các lớp tập huấn do xã và huyện tổ chức.
Đến năm 2017, chị quyết định đầu tư mua thêm đất, xây nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động,... để trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Vườn rau của chị được sản xuất bảo đảm các quy định: Không dùng phân hóa học, không chất bảo quản, không biến đổi gen, không thuốc diệt cỏ, không thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả công đoạn như bắt sâu, nhổ cỏ, bón phân hữu cơ,... đều dùng phương pháp thủ công, chị trực tiếp làm và thuê mướn thêm nhân công phụ giúp.
Chị Lê Thị Thanh Thúy ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng rau mang lại hiệu quả kinh tế cao
Chị Thúy chia sẻ: “Những năm gần đây, nhờ có HTX Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) mà rau của gia đình tôi có đầu ra ổn định. Mỗi vụ, tôi thu hoạch được từ 5 - 6 tấn rau các loại. Giá ổn định từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, như vậy một đợt thu hoạch, sau khi trừ chi phí mướn nhân công chăm sóc, phân bón, điện, nước,... tôi còn lợi nhuận hơn 40 triệu đồng”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Trạch - Lê Thành Trung cho biết: “Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phước Vĩnh, bên cạnh việc sản xuất giỏi, chị Thúy còn thường xuyên hỗ trợ về kỹ thuật, cách chọn giống và hướng dẫn các hội viên nông dân trong ấp về quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Với những nỗ lực của mình, nhiều năm liền chị Thúy được UBND xã, huyện khen thưởng với thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi”./.
Bùi Tùng