Tiếng Việt | English

24/07/2024 - 07:47

Những thương binh sản xuất, kinh doanh giỏi

Trở về từ chiến trường, khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng những thương binh vẫn hừng hực khí thế, lao động hăng say, phát triển kinh tế gia đình và đóng góp cho địa phương. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, họ mạnh dạn đi con đường chưa ai đi và thành công, trở thành gương sáng thời bình.

Ông Lê Văn Kỷ (thương binh hạng 2/4, ấp Mương Chài, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc) có niềm đam mê với  máy móc. Ông tự mày mò, cải tiến để các loại máy đạt hiệu suất làm việc cao


Từ tay trắng đi lên

Đến ấp Mương Chài (xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) hỏi Câu lạc bộ Văn nghệ hát với nhau của thương binh Lê Văn Kỷ thì ai cũng biết. Nơi đây là điểm sinh hoạt, giao lưu của người dân trong vùng và những xã kế cận. Ngày xưa, cho thuê dàn nhạc karaoke là một trong những nghề khởi nghiệp của ông, tạo tiền đề cho những thành công sau này.

Ông Kỷ năm nay 62 tuổi, thương binh hạng 2/4, từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Năm 1985, ông nhập ngũ, lên tỉnh Đồng Nai học 3 tháng quân trường rồi sang Campuchia, vào đội pháo binh. Lúc đó, vợ ông đang mang thai người con thứ 3. Ngày đi, ông gửi vợ con cho mẹ, hứa chắc chắn sẽ trở về.

Đầu năm 1986, ngày 27 tết, trong một trận đánh, ông giẫm phải mìn của địch. Vết thương quá nặng khiến ông bị cắt bỏ tới nửa xương đùi. Bởi vậy, sau này, chỗ vết thương rất đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Lúc ấy, ông rất buồn, người thân ở quê khi biết tin cũng buồn không kém. Ở tiền phương, ông được cấp trên, đồng đội động viên.

Ở hậu phương, vợ ông được mẹ an ủi tinh thần. Dần dần, ông chấp nhận sự thật. Nỗi đau dần nguôi ngoai, ông nghĩ mình còn may mắn, bởi nhiều đồng đội phải nằm lại nơi đất khách.

Về quê được 1 năm, vết thương ở chân đã lành, ông bước vào cuộc mưu sinh với nghề trồng lúa, nuôi heo, nấu rượu. Thời điểm đó, trồng lúa năng suất không cao, với hơn 0,5ha đất chỉ đủ gạo ăn; bầy heo, mẻ rượu cũng không giúp mâm cơm nhà ông thêm sung túc. Ông bàn với vợ sắm ghe làm nghề thương hồ để kiếm thêm. Ông mua gạo, đường, mắm, muối cùng một số đồ sinh hoạt hàng ngày rồi bơi ghe vào rừng bán cho những người làm nghề đốn củi.

Dạ Theo ông Kỷ, nghề này cũng bạc nên buôn bán được 1 năm, vợ chồng ông bỏ ghe lên bờ, tiếp tục làm nông nghiệp. Đến năm 1996, ông gom vốn liếng sắm dàn nhạc phục vụ đám cưới; đồng thời, mua thêm đàn, máy ảnh cho đủ bộ.

Ông Lê Văn Kỷ (ấp Mương Chài, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc) lái Kobe trên đất của gia đình. Ngôi nhà phía xa là của con trai ông 

Nhận thấy địa phương có nhiều ao, hồ, hầm phân chăn nuôi cần bơm vét, nhu cầu đắp nền nhà cũng cao nên ông mạnh dạn mua máy khoan đất. Khi mua máy về, ông tự mày mò, nghiên cứu, cải tiến để có thể khoan được cả đất ruộng cứng, nhờ vậy hiệu suất nâng cao, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Vất vả là thế nhưng khi nghĩ về quá khứ, ông Kỷ nói gọn lỏn: “Đánh giặc mệt hơn nhiều!”.

Năm 2000, ông Kỷ đầu tư 50 triệu đồng mua chiếc Kobe đầu tiên. Ông còn mua thêm sà lan để chở Kobe đi công trình. Ông Kỷ kể: “Làm nghề này có tiền nhưng mệt dữ lắm! Tôi có một chân lại càng vất vả hơn. Ngày xưa, cầu bắc qua sông, rạch đâu được như bây giờ, phải thức đêm canh con nước để lái sà lan qua cầu, bất cẩn là làm sập cầu, tai nạn như chơi. Có khi gặp người không đàng hoàng, làm xong họ quỵt tiền nhưng mần ăn thì đành chịu. Tôi ôm sà lan chạy suốt 20 năm như vậy”. Sau đó, ông mua thêm chiếc Kobe thứ 2. Không đủ tiền, ông “liều mạng” bán miếng đất kế bên nhà nhưng chỉ vài năm là mua lại.

Theo ông Kỷ, nhờ được rèn luyện trong môi trường quân ngũ nên ông trở nên kiên cường, nghị lực. Ông dám làm những việc chưa ai làm và thành công. Hồi trẻ, ông có tật xấu khi lâu lâu “nổi máu đỏ đen”, khiến vợ buồn lòng. Nhưng từ khi xuất ngũ, ông như trở thành con người khác, chí thú làm ăn, siêng năng, chăm chỉ. Kinh tế gia đình ngày càng ổn định, ông tạo được công ăn việc làm cho một số lao động địa phương. Ông hỗ trợ vốn, chỉ dạy kinh nghiệm cho 4 người con làm ăn, hiện tại ai cũng khá giả. Trong sân nhà ông, xe tải ben, xe tải thùng, xe cẩu, Kobe đậu san sát, chưa kể số xe đậu bãi khác và đang đi công trình.

Sức sống trên những đám ruộng khô

Nếu ông Lê Văn Kỷ thành công với nghề xe thì thương binh Phạm Văn Hùng (ấp 7A, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) lại “sống ngon lành” nhờ những đám ruộng bị “chê”.

Theo ông Hùng, làm ruộng xứ này rất cực vì xa kênh, rạch. Các kênh dẫn nước đều là kênh nội đồng, mỗi khi triều cường thì nước mới lên tới kênh. Người dân làm ruộng đều phải nhờ trời chứ không chủ động được. Trong khi người khác “bó tay” thì ông tận dụng cơ hội này. Ông thuê lại những đám ruộng ấy, đầu tư máy bơm nước, nghiên cứu giống lúa chất lượng, học hỏi thêm kỹ thuật trồng trọt. Có thời điểm, ông thuê đến 1,5ha. Đối với địa phương ông thì bấy nhiêu là nhiều vì đa số các đám ruộng có diện tích nhỏ.

Nhờ chăm chỉ, ham học hỏi mà ông Hùng đã biến những đám ruộng khô thành đồng lúa màu mỡ. Nhờ đó, ông nuôi được 4/6 người con học đại học, trong đó có 3 người con là đảng viên công tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Gia đình ông là gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền. Bản thân ông được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện, xã.

Ông Phạm Văn Hùng (ấp 7A, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) thành công với mô hình nuôi chim bồ câu, đem lại thu nhập khá

Ngoài ra, ông Hùng còn trồng rẫy với các loại như rau đay, mồng tơi,... Mỗi ngày, bà Hồ Thị Xa (vợ ông) cắt rau ra chợ bán cũng đủ tiền mắm muối.

Hơn 1 năm trước, ông thử nghiệm mô hình nuôi chim bồ câu. Bồ câu nuôi từ 25-28 ngày có thể xuất chuồng, mỗi cặp khoảng 1kg giá 150.000 đồng. Theo ông Hùng, bồ câu là loài dễ nuôi, giá trị kinh tế cao, không tốn nhiều công chăm sóc, có thể vừa nuôi, vừa làm việc khác.

Ở tuổi 68, ông Hùng vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, sáng sáng vẫn đạp xe hơn chục cây số tập thể dục, vẫn ra đồng làm việc mỗi ngày. Nếu không nói chắc ít ai biết ông từng trải qua những vết thương chí tử. Sống ngày tháng bình yên hiện tại, ông mãi không quên thời gian đau thương nhưng hào hùng ở chiến trường Tây Nam.

Ông Phạm Văn Hùng chăm sóc rẫy rau nhà mình. Mỗi ngày, vợ ông cắt rau đem bán cũng đủ tiền chợ

Cuối năm 1976, ông Hùng rời quê nhà thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong Tiểu đoàn 1 Long An, ông đảm nhận vị trí Khẩu đội phó xạ thủ DKZ82. Theo ông Hùng, giai đoạn này, quân ta tiến hành những trận đánh luồn sâu, sát nách địch nên độ ác liệt rất cao, có đơn vị đợi giặc tiến gần 3m mới bắn để chắc thắng. Giữa năm 1978, ông bị thương. Xương hàm dưới gãy 10cm, phải lấy xương vùng chậu ghép vô. Ngoài ra, ông còn bị thương ở mắt và nhiều phần mềm khác. Những thương tật ấy khiến ông trở thành thương binh hạng 1/4.

Về địa phương, ông Hùng trải qua nhiều nghề như làm ruộng, bốc vác, chạy xe ba gác. Nhiều người thấy sức khỏe ông yếu, khuyên nên tìm việc nhẹ mà làm nhưng ý chí người lính không cho phép ông chùn bước, vẫn miệt mài lao động để làm ra cơ ngơi như ngày nay.

Ông Hùng kể: “Lúc đó, tôi được Nhà nước hỗ trợ đất để sản xuất nông nghiệp, vốn chăn nuôi. Năm 1994, tôi được tặng nhà tình nghĩa, sau này lại được hỗ trợ 30 triệu đồng sửa chữa nhà. Nhờ đó, tôi có căn nhà kiên cố để sinh sống, kinh tế ngày càng khấm khá hơn. Ngoài ra, các con tôi đi học cũng nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Nhìn vết tích chiến tranh trên cơ thể những thương binh ấy, chúng tôi vừa xót xa, vừa cảm phục. Nỗi đau chẳng những không làm họ chùn bước mà còn là động lực để họ tiến lên. Chúng tôi rời nhà ông Phạm Văn Hùng với cái siết tay thật chặt và đàn bồ câu vỗ cánh tung trời./.

Bí thư Tỉnh ủy Long An thăm, tặng quà thương binh nặng tại Thủ Thừa

 

Bí thư Tỉnh ủy Long An thăm, tặng quà thương binh nặng tại Thủ Thừa 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Được đến thăm, tặng quà thương binh nặng và thân nhân gia đình liệt sĩ tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết