Huy động mọi nguồn lực
Về xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh long An, xe chúng tôi chạy bon bon trên con đường đal dẫn vào ấp Kinh Giữa. Hai bên đường là những hàng cây xanh, hoa khoe sắc do người dân tự trồng. Con đường này dài khoảng 8km, kinh phí xây dựng 350 triệu đồng. Anh Trần Văn Tuấn, ngụ ấp Kinh Giữa, kể: “Lúc trước, con đường này nhỏ, hẹp, đi lại rất bất tiện. Sau này, người dân chung tay, góp sức nâng cấp tuyến đường. Người góp tiền, hiến đất, người góp ngày công lao động”. Không chỉ làm đường, người dân trong ấp còn tham gia xây cầu và một số công trình khác, kinh phí lên đến hàng tỉ đồng.
Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cùng đại diện chính quyền, đơn vị tài trợ phấn khởi bước đi trên một cây cầu được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng Ảnh: Lê Đức
Không riêng gì xã Nhơn Ninh, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng vậy! Trong lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới (NTM), Châu Thành nhận được sự hỗ trợ, đóng góp rất lớn từ nhiều nguồn lực. Ngoài đóng góp 100 triệu đồng để làm đường, ông Nguyễn Hữu Nhẫn (xã An Lục Long) còn tích cực vận động người thân, bạn bè tham gia. “Làm đường, làm cầu, mình cũng được hưởng lợi nên tôi rất vui khi được tham gia đóng góp” - ông nói.
Hay bà Trần Thị Chuẩn, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cũng góp 10 triệu đồng và hiến 500m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, gần 20 hộ dân ấp Bình Thủy cũng tự nguyện đóng góp 300 triệu đồng để mở rộng đường giao thông nông thôn.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, lãnh đạo tỉnh cũng như các địa phương đều xác định, phải huy động sức dân và nguồn lực từ nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Trong đó, phải kể đến chương trình Cầu nông thôn do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang khởi xướng. Ông cùng lãnh đạo tỉnh vừa dự lễ khánh thành và bàn giao 11 công trình cầu giao thông nông thôn tại huyện Vĩnh Hưng với tổng kinh phí hơn 11,5 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Đồng Tâm và Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải tài trợ 10 cầu, Tập đoàn Novaland tài trợ 1 cầu.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải - Trần Bá Dương và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đồng Tâm - Võ Quốc Thắng đều cùng suy nghĩ: Đây là chương trình rất có ý nghĩa. Vì vậy, ngoài sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp luôn dành nguồn kinh phí hợp lý để tham gia những chương trình như thế.
Nối nhịp bờ vui
Những công trình giao thông được đầu tư, nâng cấp mang lại niềm vui cho người dân nông thôn. Không còn những con đường đất nhỏ, hẹp, những cây cầu tạm bợ, giờ đây, diện mạo làng quê của nhiều địa phương hoàn toàn thay đổi.
Những tuyến đường nông thôn được đầu tư xây dựng, không những mang đến diện mạo mới cho những vùng quê mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển KT-XH địa phương
Bà Mai Xuân Phương, ngụ ấp Láng Lớn, xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, vui mừng nói: “Nhà tôi ở sát cầu kênh KT4, cây cầu mới được xây dựng, đi lại dễ dàng hơn. Còn nhiều năm qua, người dân muốn đi lại phải dùng xuồng. Giao thông chưa thuận tiện, sản xuất gặp nhiều khó khăn, nông sản thường bị thương lái ép giá; học sinh đến trường vào mùa mưa, mùa nước nổi thì lấm lem bùn đất,...”. Hay tin 11 cây cầu nông thôn trên tuyến vành đai biên giới của huyện Vĩnh Hưng đồng loạt được xây dựng, bà Phương cùng nhiều người dân nơi đây đều háo hức mong chờ. Công trình hoàn thành, ngày nào, bà cũng chạy xe qua đây và ngắm nhìn cây cầu mới.
Bí thư Đảng ủy xã Thái Trị - Võ Quốc Hải cho biết, so với nhiều địa phương khác, đời sống người dân biên giới còn nhiều khó khăn. Vùng này nền đất thấp, còn nhiều cây cầu cần xây mới. Nhờ chương trình ý nghĩa này, cuộc sống người dân bớt nhọc nhằn hơn.
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ: Vì thiếu cầu giao thông nên kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, việc giao thương, đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn,... Chương trình Cầu nông thôn không những mang đến diện mạo mới cho những vùng quê mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển KT-XH địa phương.
Theo nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang, sự thay đổi rõ nhất mà những công trình ý nghĩa này mang lại là nông sản được vận chuyển dễ dàng nên không còn bị thương lái ép giá như trước; chi phí sản xuất cũng giảm. Ông hy vọng, giao thông nông thôn hoàn thiện và khép kín sẽ góp phần mang đến cuộc sống ấm no hơn cho người dân biên giới nói riêng và tỉnh Long An nói chung.
Người dân biên giới Vĩnh Hưng phấn khởi khi đi qua những chiếc cầu mới được xây dựng
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhận định, chương trình xây dựng NTM ngày càng đi vào thực chất, bộ mặt nông thôn thay đổi một cách toàn diện và từng bước phát triển theo quy hoạch. Kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Những công trình giao thông nông thôn được xây dựng không chỉ góp phần thực hiện tiêu chí NTM mà còn nâng cao đời sống người dân./.
Hiện nay, toàn tỉnh có 67/166 xã đạt chuẩn NTM. Năm 2017, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM trên 10.370 tỉ đồng, tăng gần 200 tỉ đồng so với năm 2016. Trong đó, nguồn vốn huy động từ cộng đồng dân cư và nhân dân đóng góp trên 106 tỉ đồng. Việc sử dụng nguồn vốn trong xây dựng NTM đang có xu hướng chuyển sang đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người dân.
(Nguồn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Sau gần 2 năm triển khai, chương trình Cầu nông thôn do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang khởi xướng vận động được 14 doanh nghiệp tham gia, cam kết tài trợ 85 cầu, cống, tổng vốn đầu tư gần 82 tỉ đồng, trong đó có 70 cầu, cống đã đưa vào sử dụng. Tại Long An, có 77 công trình được cam kết tài trợ với tổng vốn đầu tư hơn 64 tỉ đồng, trong đó có 63 cầu, cống được đưa vào sử dụng. Công ty Cổ phần Đồng Tâm và Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải cam kết tài trợ 29 cầu với tổng kinh phí hơn 23,8 tỉ đồng.
(Nguồn Sở Giao thông Vận tải)
|
Nguyệt Nhi