Tiếng Việt | English

31/05/2019 - 06:39

Nỗ lực kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản

Long An đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển các mặt hàng nông sản có thế mạnh, đặc biệt là đã gắn kết được với các nhà chế biến, hệ thống phân phối để đưa mặt hàng nông sản của tỉnh vươn xa.

Doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh và Ban Quản lý chợ Dầu Giây ký kết hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ hàng hóa nông sản

Doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh và Ban Quản lý chợ Dầu Giây ký kết hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ hàng hóa nông sản

Tạo dựng mối liên kết

Theo thông tin từ Sở Công Thương, với nhiều lợi thế về phát triển kinh tế nông nghiệp, hiện nay, tỉnh đang xây dựng các mối liên kết, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) tham gia các kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất với nhà chế biến, hệ thống phân phối cũng như tham gia chương trình kết nối giao thương với TP.HCM, các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, từ chương trình xúc tiến thương mại hàng năm, sở còn hỗ trợ DN, HTX tham gia Chợ phiên nông sản an toàn vào sáng chủ nhật hàng tuần tại TP.HCM, tổ chức kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản vào các bếp ăn tập thể có đông công nhân trên địa bàn tỉnh,... Thông qua các hoạt động kết nối cung - cầu, nông sản của tỉnh có mặt tại nhiều siêu thị, kênh phân phối trên cả nước. Đến nay, DN, HTX trên địa bàn tỉnh thực hiện được 153 hợp đồng thương mại trao đổi hàng hóa, sản phẩm gồm thanh long, chuối, đậu phộng rang, chanh không hạt, rau ăn lá các loại,...

Đại diện Công ty TNHH Huy Long An (xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ) - Võ Quang Thuận chia sẻ, thông qua việc tham gia các hoạt động từ chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh cũng như nỗ lực tìm kiếm đầu ra sản phẩm từ nhiều đối tác, đến nay, bình quân mỗi tháng, công ty xuất khẩu 600 tấn chuối nhãn hiệu FOHLA và tiêu thụ nội địa từ 45-60 tấn. Ở thị trường nước ngoài, chuối được xuất đi các nước: Nhật, Trung Quốc, Dubai,... Riêng thị trường trong nước chủ yếu được tiêu thụ thông qua các siêu thị BigC, Satra và các cửa hàng tiện lợi chuyên bán thực phẩm. Đặc biệt, tháng 3-2019, tại Hội nghị xúc tiến thương mại giữa DN tỉnh với Đoàn DN đến từ Tập đoàn Aeon Malaysia tại Long An, công ty đã ký kết hợp đồng xuất khẩu trái chuối với sản lượng lớn.

Chủ Cơ sở sản xuất đậu phộng rang Hữu Lộc (ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) - Đoàn Văn Phước cho biết, trước đây, đậu phộng rang do gia đình chế biến đa phần bán trong huyện Đức Hòa, qua các trang mạng xã hội. Từ khi tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm từ chương trình xúc tiến thương mại do Sở Công Thương tổ chức, thời gian gần đây, số lượng sản xuất cũng như bán ra hàng tháng đều tăng. Hiện tại, bình quân mỗi tháng, cơ sở bán ra hơn 10 tấn sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và Campuchia. 

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho biết, từ hoạt động kết nối của Sở Công Thương với Công ty Cổ phần Nafood (huyện Đức Hòa), từ tháng 12/2018 đến nay, các DN, HTX ở huyện Châu Thành cung cấp trái thanh long cho đơn vị này với sản lượng khá ổn định. Trái thanh long có mẫu mã đẹp được đơn vị này đóng thùng và xuất khẩu, riêng trái chưa đạt chuẩn về mẫu mã được chế biến dưới dạng nước ép đóng lon. 

Vừa qua, Sở Công Thương tổ chức xúc tiến thương mại với Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (chợ Dầu Dây) - tỉnh Đồng Nai và tỉnh Tây Ninh để kết nối tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng nông sản. Từ 2 cuộc làm việc này, DN, HTX của tỉnh đã ký kết 15 hợp đồng nguyên tắc cung ứng, tiêu thụ hàng hóa với Ban Quản lý chợ Dầu Giây và DN tại Tây Ninh. 

Chú trọng chất lượng và truy xuất nguồn gốc 

Theo ông Võ Quang Thuận, toàn bộ chuối xuất khẩu được công ty canh tác với quy trình khắt khe. Khi bông chuối trổ được khoảng 10 nải, công nhân phải bẻ bông để ngăn chuối cho thêm trái. Mỗi trái chuối đều được cắt bỏ phần bông thừa ở chóp để trái đẹp và đều. Chuối sau khi thu hoạch được xử lý sạch bụi, khử khuẩn, lau khô, lót xốp mỏng giữa hai lớp cùng một nải để tránh giập cũng như giữ màu sắc đẹp rồi mới cho vào túi nylon, hút chân không, xếp vào hộp để đưa vào kho lạnh, trước khi theo container ra cảng vận chuyển ra nước ngoài. Để xuất được sang những thị trường khó tính này, chuối được kiểm soát nghiêm ngặt, trên từng sản phẩm có tem, nhãn để các đơn vị phân phối truy xuất nguồn gốc. 

Đồng quan điểm trên, ông Đoàn Văn Phước cho rằng: “Sản phẩm muốn chiếm được niềm tin của người tiêu dùng thì phải có thể truy xuất nguồn gốc thông qua thông tin trên bao bì sản phẩm. Đồng thời, đơn vị sản xuất phải chú trọng đến bao bì, nhãn dán sao cho đẹp, thẩm mỹ. Nếu không chú trọng các vấn đề trên, sản phẩm hàng hóa không thể “đi xa”. Hiện cơ sở sản xuất của tôi đang tiến hành các bước để làm mã vạch trên sản phẩm để người tiêu dùng có thể truy xuất khi cần dùng đến, an tâm sử dụng sản phẩm cũng như tránh bị hàng giả, hàng nhái pha trộn”. 

Theo thông tin từ Ban Quản lý chợ Dầu Giây, hiện có khoảng 50-60 nông sản tiêu thụ tại chợ nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu của tiểu thương và lấp đầy các quầy, sạp hiện có. Để tăng lượng nông sản vào chợ đầu mối, Ban Quản lý chợ rất muốn cùng Sở Công Thương Long An kết nối tiêu thụ hàng hóa theo hướng 2 chiều giữa DN, HTX, tiểu thương 2 phía. Các nông sản như gạo, thanh long, rau ăn lá, các loại thực phẩm khác tại Long An rất phù hợp nhu cầu và khả năng tiêu thụ tại chợ. Ban Quản lý chợ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hàng nông sản của Long An được bán tại chợ và kết nối cung ứng hàng hóa từ chợ đầu mối đến người tiêu dùng Đồng Nai. Song, vì chợ Dầu Giây đang hướng đến mục tiêu chợ văn hóa, thực phẩm an toàn nên DN, HTX cần chú trọng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc để chợ có thể phát triển lâu dài./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích