Khu vực thị trấn Bến Lức hiện có cảnh quan hiện đại gắn với giữ gìn những giá trị truyền thống (Lễ khánh thành công trình Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ). Ảnh: Lê Cánh
Kết quả từ sự nỗ lực
Thị trấn Bến Lức được công nhận là đô thị loại IV vào năm 2010. Để tiếp tục phát triển đô thị, thị trấn Bến Lức nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời từ tỉnh đến huyện. Trong đó, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với hạ tầng xã hội nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn.
Điểm nổi bật là thị trấn Bến Lức - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện được tập trung đầu tư phát triển theo hướng bền vững. Trong giai đoạn 2010-2015, nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chỉnh trang đô thị trên 1.560 tỉ đồng, trong đó, kinh phí xây dựng bằng nhiều hình thức như ngân sách, xã hội hóa từ sự đóng góp của doanh nghiệp, người dân.
Thực hiện quản lý và xây dựng đô thị theo quy hoạch, trên địa bàn thị trấn có 4 khu dân cư (KDC) đô thị được quy hoạch: Mai Thị Non, Đường số 10, Long Kim 2, Thuận Đạo. Song song đó, thị trấn tiến hành xây dựng, nâng cấp, cải tạo 90% trở lên các công trình công cộng về hành chính, văn hóa-xã hội và hạ tầng đô thị. Đến nay, trên địa bàn có 95% hẻm được bêtông hóa, hệ thống cấp-thoát nước hẻm và chiếu sáng công cộng đang dần hoàn thiện.
Một góc thị trấn Bến Lức lung linh về đêm. Ảnh: HD
Bí thư Huyện ủy Bến Lức - Trần Hoàng Nhân cho biết: “Để thực hiện chương trình phát triển đô thị và quản lý đô thị, thuận lợi của huyện là thực hiện xong công tác quy hoạch. Trong đó, huyện thực hiện và công bố quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH huyện Bến Lức đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch sử dụng đất huyện Bến Lức đến năm 2020; quy hoạch nông thôn mới 14 xã trên địa bàn huyện,... Ngoài ra, huyện ban hành 9 quy định xây dựng trong các KDC trên địa bàn; tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức từ huyện đến xã về công tác quản lý xây dựng cơ bản, quản lý đô thị, xử lý vi phạm hành chính theo quy định mới,...”.
Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị
Theo mục tiêu chung, từ nay đến năm 2020, huyện Bến Lức từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, góp phần cải thiện môi trường và chất lượng cuộc sống đô thị, đưa đô thị Bến Lức đạt đô thị loại III; đô thị Gò Đen đạt đô thị loại V và Lương Hòa chuẩn bị các bước pháp lý của đô thị loại V vào năm 2020.
Theo đó, huyện tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh các tiêu chí còn thiếu của đô thị loại IV của thị trấn Bến Lức; đầu tư nhựa hóa và bêtông các tuyến đường giao thông nông thôn, 100% đường nội thị và 90% các tuyến đường trong các KDC; đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật 90% các KDC hiện hữu và có dân cư vào ở, 100% khu xử lý nước thải trong các KDC theo quy hoạch; tiếp tục triển khai đầu tư khu di tích Nguyễn Trung Trực; hoàn thành và đưa vào khai thác đường Trần Thế Sinh, đường Long Bình, đường Phước Toàn, đường An Thạnh-Tân Bửu (giai đoạn 2); phát triển hệ thống bến xe, bến bãi, vận tải buýt và taxi trên các tuyến đường kết nối giữa thị trấn Bến Lức đến các xã trong huyện cũng như địa bàn giáp ranh;...
Đường phố ở thị trấn Bến Lức được nâng cấp khang trang, sạch đẹp
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án huyện, để thực hiện nâng cấp cũng như chỉnh trang các tuyến đường trên địa bàn huyện, đáp ứng mục tiêu phát triển đô thị, huyện đang chuẩn bị và triển khai thực hiện 4 công trình hạ tầng là đường Phước Toàn (xã Long Hiệp) với kinh phí 14 tỉ đồng, đường Nhựt Chánh-Mỹ Bình với kinh phí 14,6 tỉ đồng, cầu 3 Cụm với kinh phí 2,4 tỉ đồng và Nghĩa trang nhân dân xã Nhựt Chánh với kinh phí 14 tỉ đồng.
Để công tác quản lý đô thị được thực hiện tốt, UBND huyện tiến hành đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ làm công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị từ huyện đến xã, thị trấn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển; tổ chức công bố những quy hoạch, quy chế quản lý được duyệt để người dân biết và tham gia giám sát; phát triển mạng lưới thương mại-dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, tiện ích, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Ông Trần Hoàng Nhân cho biết, để thực hiện tốt chương trình đột phá mà huyện chọn thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020, dự kiến tổng kinh phí và nguồn vốn để thực hiện trên 821 tỉ đồng. Trong đó, đầu tư hạ tầng kỹ thuật 615 tỉ đồng, hạ tầng xã hội khoảng 205 tỉ đồng. Dự kiến, ngân sách Nhà nước sẽ đầu tư 602 tỉ đồng và vốn xã hội hóa, nhân dân đóng góp trên 218 tỉ đồng./.
Mai Hương