Tiếng Việt | English

20/08/2015 - 10:10

Long An: Bức tranh sáng về đô thị Bến Lức

Nằm ở vị trí có nhiều đầu mối giao thông quan trọng như: Quốc lộ 1, đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (khởi công đầu năm 2015), đường vành đai 4, sông Vàm Cỏ Đông,... thị trấn Bến Lức thật sự xứng đáng là trung tâm kinh tế, hành chính, văn hóa của huyện - một trong những địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.


Ở đô thị Bến Lức hôm nay, những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều

Trong những ngày tháng 8 lịch sử, về lại thị trấn Bến Lức, mọi người dễ dàng nhận thấy bộ mặt khởi sắc đáng ghi nhận từ thành thị đến nông thôn. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, nhiều nhà hàng, dịch vụ, trụ sở các đơn vị, cơ quan,… đều khoác lên mình “chiếc áo mới” khang trang và tươi sáng hơn. Đời sống người dân không ngừng được nâng lên.

Hiện nay, dân số thị trấn Bến Lức đã lên đến trên 24.000 người. Là trung tâm của huyện, nên tất cả các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, bệnh viện, trường học, chợ, trung tâm văn hoá, thể thao,… đều trú đóng tại đây. Ngoài thị dân thường trú, hằng ngày, thị trấn còn đón nhận khoảng 20.000 người từ các nơi khác đến làm việc trong các khu, cụm công nghiệp. Dân cư đông đúc nên việc điều chỉnh, quy hoạch mở rộng thị trấn là hết sức cần thiết. UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Bến Lức đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Nguyễn Minh Lâm cho biết: Xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo có vai trò quyết định đến thành công trong phát triển kinh tế - xã hội nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đã tập trung xây dựng chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện hai chương trình đột phá: Phát triển và quản lý đô thị; chương trình quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các công trình trọng điểm trên địa bàn cũng được thực hiện khá cơ bản. Nổi bật là hoàn thành công trình Khu Trung tâm Văn hóa - Thể thao giai đoạn 2 và Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống các tầng lớp nhân dân được nâng cao.

Bến Lức đã có những bước chuyển mình rõ nét kể từ khi trở thành đô thị loại IV. Ngày trước, chỉ có thị trấn Bến Lức mang diện mạo đô thị, nay còn có khu vực Gò Đen, xã Phước Lợi và 1 phần các xã Long Hiệp, Mỹ Yên; khu vực xã An Thạnh – Lương Hòa hay Nhựt Chánh, Thạnh Đức đều có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.

Ông Nguyễn Văn Đức, ở khu phố 3 chia sẻ: Bây giờ, không chỉ đường sá từ trung tâm đến các xã được nâng cấp, mở rộng mà nhà dân với những kiểu kiến trúc hiện đại cũng được xây dựng ngày càng nhiều. Sự đổi thay đó làm chúng tôi rất vui. Nhờ đó, nhiều người đã chuyển qua làm kinh tế, mạnh dạn đầu tư sản xuất - kinh doanh.

Nhận thức tầm quan trọng của việc phát triển kết cấu hạ tầng, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X đã xác định phát triển và quản lý đô thị là một trong 2 chương trình đột phá mà huyện phải tập trung thực hiện nhằm xây dựng huyện phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngày nay, thị trấn Bến Lức đã cơ bản hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV. Nhiều khu dân cư mang dáng dấp của đô thị được hình thành, các loại hình dịch vụ, vui chơi, giải trí phát triển mạnh, góp phần hình thành trục đô thị TP.Tân An - TP.HCM. 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị trên địa bàn huyện là trên 1.561 tỉ đồng.

Không chỉ có tuyến Quốc lộ 1, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương,... được mở rộng và đầu tư hệ thống chiếu sáng, hàng loạt tuyến đường trọng điểm khác trên địa bàn thị trấn cũng được nâng cấp, xây mới thể hiện sự năng động, hiện đại của một đô thị trẻ. Đó là đường Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Siêu, Võ Công Tồn, Phan Văn Mãng,…

Bí thư Đảng uỷ thị trấn Bến Lức – Phạm Thanh Sơn cho biết: Trong tương lai, thị trấn sẽ mở rộng về hướng Nam Quốc lộ 1 và chỉnh trang lại phía sau chợ. Hiện, cơ cấu kinh tế của thị trấn chuyển dịch nhanh và mạnh theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng; giảm tỷ trọng nông nghiệp; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao.

5 năm qua, Bến Lức đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng phát triển đô thị, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, để hướng tới một đô thị loại III vào năm 2020, Bến Lức cần phải tiếp tục triển khai chương trình đột phá với lộ trình cụ thể như: Tiếp tục đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, đồng thời có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội./.

Hùng Dũng
 

Chia sẻ bài viết