Đầu tư cho dân số là đầu tư cho phát triển
Công tác dân số trong tình hình mới
Việc thực hiện công tác DS - sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2018, tỷ suất sinh thô của toàn tỉnh ước giảm 0,76‰ so cùng kỳ năm 2017. Phong trào xây dựng và duy trì mô hình xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên được tỉnh thực hiện tốt, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,47% so cùng kỳ năm 2017. Tỷ số giới tính khi sinh 10 tháng năm 2018 nằm trong khoảng 104,5 nam/100 nữ. Tỉnh tiếp tục phấn đấu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Phát huy những kết quả đã đạt, tỉnh tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách DS từ KHHGĐ sang DS và phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 21 về công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới. Đặc biệt trong thời điểm sắp xếp, củng cố tổ chức bộ máy làm công tác DS cấp cơ sở hiện nay, việc thực hiện công tác DS là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng của ngành y tế.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, việc thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện. Theo đó, chi cục thực hiện sáp nhập 2 phòng chuyên môn (Phòng Truyền thông và Phòng DS thành Phòng Nghiệp vụ); cấp huyện, tất cả các trung tâm DS-KHHGĐ sáp nhập vào trung tâm y tế thành Phòng Dân số theo hướng tinh gọn.
Hoạt động dân số chưa đồng bộ
Sau khi sáp nhập, các hoạt động chuyên môn DS tiếp tục được triển khai thực hiện, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu DS năm 2018. Tuy nhiên, tại một số địa phương, công tác phối hợp triển khai các hoạt động DS chưa đồng bộ. Một số chỉ tiêu: Sàng lọc trước sinh, sơ sinh; biện pháp tránh thai; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân đạt thấp so cùng kỳ năm 2017.
Cụ thể, tại huyện Cần Giuộc, hoạt động của Ban DS-KHHGĐ và đội ngũ cộng tác viên (CTV) DS, gia đình và trẻ em có nhiều đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu DS-SKSS trong tình hình mới. Thế nhưng, quá trình triển khai thực hiện tại một số địa phương còn hạn chế. Trưởng ban DS-KHHGĐ tham gia họp giao ban CTV không thường xuyên, còn giao khoán cho trạm y tế và viên chức DS xã. Hoạt động của một số CTV chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế.
Tư vấn giúp phụ nữ lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp
Để khắc phục trình trạng trên, UBND huyện ban hành Công văn số 2909/UBND-TTYT về việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của ban DS-KHHGĐ và CTV các xã, thị trấn. Theo đó, UBND huyện yêu cầu các UBND cấp xã chỉ đạo ban DS-KHHGĐ thực hiện các nội dung: Trưởng ban DS-KHHGĐ cấp xã chủ trì họp lệ CTV hàng tháng; tổ chức họp giao ban CTV hàng tháng bảo đảm thời gian và nội dung cho việc kiểm tra, đánh giá hoạt động tháng trước, đề ra giải pháp khắc phục và triển khai hoạt động tháng tới. Ngoài ra, thành viên ban DS-KHHGĐ cấp xã căn cứ quy chế hoạt động của ban và kế hoạch phối hợp hàng năm, thực hiện tốt công tác phối hợp tuyên truyền về chính sách DS tại địa phương. Trưởng trạm y tế các xã, thị trấn cần nắm rõ chỉ tiêu, tiến độ thực hiện công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn quản lý, báo cáo kịp thời cho trưởng ban nhằm có hướng giải quyết đối với các chỉ tiêu chưa đạt; đồng thời chỉ đạo cán bộ DS-KHHGĐ có kế hoạch kiểm tra, giám sát và hỗ trợ hoạt động của CTV hàng tháng,...
Để giải quyết những thách thức về công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới, thiết nghĩ, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; nâng cao chất lượng DS. Qua đó, góp phần vào sự phát triển KT-XH của địa phương nói chung và công tác DS tỉnh nhà nói riêng./.
Ngọc Mận - Huỳnh Hương