Tiếng Việt | English

22/09/2016 - 10:06

Nơi giúp trẻ khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng

Nhiều năm nay, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật (TNDTKT) tỉnh Long An luôn đồng hành với những trẻ em bị khuyết tật. Thông qua việc can thiệp sớm giúp trẻ hòa nhập cộng đồng và ngăn ngừa các khuyết tật trở nên trầm trọng.

Ở độ tuổi mầm non, đa số trẻ phát triển nhanh và liên tục. Tuy nhiên, một số trẻ phát triển chậm hơn những trẻ cùng độ tuổi. Điều đó nếu được phát hiện sớm, xác định đúng nguyên nhân và có biện pháp can thiệp phù hợp sẽ giúp trẻ có cơ hội phát triển toàn diện.

Can thiệp sớm, ngăn khuyết tật trở nên trầm trọng

Trước đây, trẻ đến 6 tuổi nếu không may bị các khuyết tật: Nghe - nói, trí tuệ,... thì gia đình mới bắt đầu đưa trẻ vào các trường chuyên biệt học tập. Thực hiện Quyết định số 23/2006/QĐ-BGD&ĐT, ngày 22/5/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về giáo dục hòa nhập dành cho người tàn tật, khuyết tật, hiện nay, TNDTKT tỉnh thực hiện tốt việc can thiệp sớm với các trẻ ở độ tuổi mầm non bị khuyết tật hoặc trẻ có nguy cơ dẫn đến khuyết tật.


Thông qua việc can thiệp sớm giúp trẻ hòa nhập cộng đồng và ngăn ngừa các khuyết tật trở nên trầm trọng

Phụ huynh em H.H.Đ. ở phường 6, TP.Tân An cho biết: “Gia đình phát hiện cháu Đ. bị khuyết tật trí tuệ lúc cháu 16 tháng tuổi. Sau đó, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM khám và điều trị. Được sự tư vấn của các bác sĩ nên gia đình biết TNDTKT nhận can thiệp sớm với trẻ có nguy cơ bị khuyết tật. Từ đó, gia đình mạnh dạn đăng ký cho cháu đi học. Hiện tại, cháu Đ. phát triển tương đối tốt, biết nói, biết nghe. Gia đình an tâm hơn”.

Năm học 2014-2015, TNDTKT nhận can thiệp sớm 18 trẻ. Năm học 2016-2017, số lượng trẻ được nhận can thiệp sớm là 50 em. Đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương, trường thường xuyên đưa giáo viên đi tập huấn ở TP.HCM. Năm học 2016-2017, trường vừa đưa vào hoạt động các phòng chức năng: Tâm vận động, ngôn ngữ trị liệu, thư viện đồ chơi, trang bị kỹ năng sống độc lập cho học sinh,... góp phần giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng.

Còn nhiều thách thức

Bên cạnh những phụ huynh biết quan tâm, chăm sóc và nhận thức đúng tình hình của các trẻ đang bị khuyết tật hoặc có nguy cơ bị khuyết tật thì một số phụ huynh còn e dè, thiếu trách nhiệm và phó thác cho các giáo viên can thiệp sớm.

Cô Trần Thị Mộng Tuyền - giáo viên TNDTKT cho biết: “Việc can thiệp sớm cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường và gia đình. Các bậc phụ huynh cần chủ động chăm sóc, quan tâm các em sau khi được giáo viên tư vấn. Vì hiện tại, trường còn thiếu rất nhiều giáo viên nên bình quân thời gian giáo viên tiếp xúc với các trẻ rất ít, chỉ 1 giờ/tuần”.


Các phòng chức năng được đưa vào sử dụng giúp Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật hỗ trợ can thiệp tốt đối với trẻ em khuyết tật

Có thể nói, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện trẻ có những khó khăn, khiếm khuyết,... Tuy nhiên, một số gia đình không chấp nhận việc con em bị khuyết tật, cảm thấy xấu hổ,... Điều đó ảnh hưởng đến việc điều trị và không có lợi cho trẻ khuyết tật.

Phó Hiệu trưởng TNDTKT tỉnh - Trần Thanh Phong chia sẻ: "Hiện nay, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học của trường; giáo viên còn thiếu kinh nghiệm; công tác tuyên truyền về can thiệp sớm chưa đến được các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới; nhiều phụ huynh chưa hiểu hết ý nghĩa của việc can thiệp sớm...".

Thời gian tới, trường tiếp tục tham mưu ngành Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản ký kết với Sở Y tế, trong đó, yêu cầu cán bộ Y tế ở địa phương tuyên truyền, tư vấn cho phụ huynh có con em đang bị khuyết tật hoặc có nguy cơ bị khuyết tật. Đồng thời, trường phối hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nắm danh sách trẻ em ở tỉnh Long An bị khuyết tật để tìm đến tư vấn, hỗ trợ gia đình - ông Trần Thanh Phong cho biết thêm./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết