Tiếng Việt | English

30/08/2023 - 09:40

Nỗi lo các khoản đóng góp năm học mới

Theo lịch học năm học 2023-2024 tại Long An, một số học sinh (HS) đã đến trường vào ngày 21/8, số còn lại đến trường từ ngày 28 và 31/8. Ngày 05/9, cùng cả nước, Long An chính thức khai giảng năm học mới. Những ngày này, phụ huynh tất bật mua sắm tập, sách, dụng cụ học tập, đồng phục,… chuẩn bị cho con đến trường.

Với những gia đình có thu nhập thấp thì đây là khoảng thời gian khó khăn bởi bên cạnh chuẩn bị những điều kiện cần thiết để con đến trường, phụ huynh còn phải lo các khoản đóng góp bắt buộc và không bắt buộc mỗi đầu năm học mới.

Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy định mức thu học phí năm học 2023-2024, cấp học mầm non, THCS có mức học phí 300.000 đồng/HS/tháng đối với vùng thành thị (phường thuộc thành phố, thị xã, thị trấn) và mức 100.000 đồng/HS/tháng đối với vùng nông thôn (các xã còn lại); cấp học THPT có mức học phí 300.000 đồng/HS/tháng đối với vùng thành thị và 200.000 đồng/HS/tháng đối với vùng nông thôn.

Cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông được áp dụng mức thu học phí tương đương với mức thu học phí của cơ sở giáo dục phổ thông công lập cùng cấp học trên địa bàn. Mức học phí này là mức thấp nhất trong khung (mức sàn - mức trần) quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, ngày 27/8/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, so với năm học trước, học phí năm 2023-2024 tăng từ gấp đôi đến gấp 5 lần.

Trung bình, đầu năm học, phụ huynh phải chi 5-7 triệu đồng/HS từ tập, sách, học phí, bảo hiểm y tế, đồng phục,... Đó là chưa kể tiền học bán trú (đối với HS bán trú), các khoản đóng góp không tự nguyện như hội phí, phí vệ sinh,... Một số trường hợp, phụ huynh còn phải đóng góp lắp thêm máy điều hòa, quạt máy cho HS khi thời tiết nóng bức. Tuy nhiên, theo nhiều phụ huynh, các khoản đóng góp không thu cùng một thời điểm nên cũng không quá áp lực.

Cụ thể, học phí có thể đóng theo học kỳ hoặc đóng từng tháng. Bảo hiểm y tế (680.400 đồng, tăng hơn năm học trước do mức lương cơ sở tăng) được thu vào tháng 11, 12 nên cũng giảm một phần gánh nặng đầu năm học mới. Riêng các khoản đóng góp không bắt buộc không nhiều, phụ huynh có thể không tham gia.

Thực hiện chương trình tiếp sức HS nghèo, những ngày này, các địa phương, đoàn thể, mạnh thường quân tổ chức tặng học bổng, xe đạp, tập, sách, dụng cụ học tập,... cho HS nghèo vượt khó.

Nếu đối với HS các cấp học, học phí và các khoản đóng góp đầu năm không quá áp lực cho phụ huynh thì việc chuẩn bị cho con vào đại học (ĐH) lại là nỗi lo mà không phải gia đình nào cũng chu toàn được. Hiện nay, một số trường ĐH công bố điểm trúng tuyển, nhiều tân sinh viên háo hức chuẩn bị nhập học nhưng cũng có không ít gia đình canh cánh nỗi lo khi từ năm học này, các trường ĐH đồng loạt tăng học phí theo Nghị định số 81.

Theo đó, mức học phí tại nhiều trường ĐH tăng từ 10-20%, như Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM tăng 5 triệu đồng/năm; Trường ĐH Y Dược TP.HCM có 11/14 ngành học phí tăng từ 3,2-8 triệu đồng/năm; Trường ĐH Kiến trúc tăng 10%; Trường ĐH Sư phạm tăng 12%; Trường ĐH Bách khoa tăng từ 5-10%;… Ngoài học phí, phụ huynh còn phải chuẩn bị nhiều khoản chi khác nhau như tiền thuê phòng trọ, ăn uống, đi lại, giáo trình, học các khóa bổ trợ khác,...

Ước tính, chi phí để cho con nhập học phải từ 15-20 triệu đồng/sinh viên, tùy mức học phí của từng trường và điều kiện sinh hoạt của tân sinh viên. Đây là số tiền mà không phải gia đình nào có con vào ĐH cũng lo được.

Năm học mới với bao nỗi lo toan của những gia đình lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn khi phải tất bật chuẩn bị cho con đến trường. Thế nhưng, địa phương, đoàn thể, mạnh thường quân và toàn xã hội luôn hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng các HS, sinh viên để không có trường hợp nào phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết